Vì sao Pháp là mục tiêu ưa thích của những kẻ khủng bố?

Pháp đang đứng trước mũi tên làn đạn. 16 vụ khủng bố xảy ra tại các nước phương Tây từ đầu năm tới nay thì có 5 vụ diễn ra tại Pháp, bao gồm cả tấn thảm kịch đẫm máu vừa diễn ra tại Nice làm ít nhất 84 người thiệt mạng.

Pháp đang là mục tiêu ưa thích của những kẻ khủng bố. Ảnh: GI

Một tuần trước vụ tấn công, một tổ chức phòng chống khủng bố của chính phủ nước này đã đưa ra các lý do về việc Pháp đang nằm trong tầm ngắm của những kẻ khủng bố. Ngoài những lý do về lịch sử đô hộ cũng như các chính sách nhập cư thiếu hiệu quả đối với dân Bắc Phi, tổ chức này nhận định còn liên quan tới vấn đề điều hành của đất nước.

“Những thông tin của các công dân Pháp sinh sống và làm việc tại nước này trong năm 2015 đều xuất hiện trên mạng lưới tình báo của Pháp”, báo cáo này viết. “Tất cả những tên tội phạm tính tới thời điểm này đều đã bị theo dõi, nghe lén và nghiên cứu con đường trở thành tội phạm”.

Giống với vụ xả súng ở Orlando tại Mỹ, Omar Mateen hay anh em nhà Kouachi (những người thực hiện vụ xả súng ở Charlie Hebdo) đều đã bị theo dõi bởi lực lượng tình báo của các nước. Họ đã thất bại khi không có chút thông tin gì về Amedy Coulibaly, kẻ đã bắt giữ con tin tại Paris hay như việc Sami Amimour, kẻ đã xả súng vào những người dân vô tội ở nhà hát Bataclan, đã từng tới Syria, từng bị chất vấn và giám sát nhưng lại không có động thái gì từ các nhà chức trách khi hắn biến mất trong nhiều tuần liền.

Hiển nhiên có một sự thiếu đoàn kết giữa lực lượng tình báo với cảnh sát của nước này trong việc giám sát tên khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng cảnh báo chính phủ Pháp về độ nguy hiểm của một tay súng khác trong vụ Bataclan, Omar Mostefai nhưng không có bất kỳ ai được phân công giám sát hắn.

Danh sách còn dài hơn thế và vấn đề ở đây không phải là ngân sách. Theo như báo cáo này cho biết, năm 2015, chính phủ Pháp cho phép lực lượng tình báo theo dõi 2,700 cá nhân, nhưng con số thực tế lại thấp hơn cực nhiều.

Các cơ quan bảo vệ luật pháp nước này đã ngăn chặn được 9 vụ khủng bố từ đầu năm 2015 và các đối tượng tình nghi hầu hết là những kẻ có liên quan mật thiết tới IS, nhưng lại bỏ lỡ quá nhiều kẻ tình nghi khác. Chính quyền Pháp đang trong thời kỳ thay đổi nhưng các lực lượng này thì vẫn hoạt động một cách hời hợt như trước.

Ngay trong nội bộ ngành cảnh sát cũng có rất nhiều vấn đề, khi không hề có bất kỳ tiếng nói chung nào giữa cảnh sát địa phương với lực lượng tình báo. Có quá nhiều kẻ khủng bố “tiềm năng” trong các nhà tù nước này, nhưng chỉ có 114 con người làm công tác giám sát và theo dõi 68,000 tù nhân và 235,000 kẻ khác bị quản thúc.

60% trong số đó theo đạo Hồi. Pháp đã có những vấn đề phân biệt tín ngưỡng từ trước đó và điều này trực tiếp gây nên tỷ lệ thất nghiệp cao tại các khu ổ chuột xung quanh các thành phố lớn, gốc rễ của nhiều tội ác, của nạn buôn bán ma túy cho tới khủng bố. Phải nói rằng những tên tội phạm trẻ tuổi là mục tiêu quá đỗi thích hợp để “cải giáo” và biến họ thành các binh sĩ cảm tử. Tuy vậy, chính quyền Pháp lại gần như không có một hệ thống nào để theo cộng đồng này.

Đó là cách mà Pháp đã để lọt kẻ lái xe tải 31 tuổi gốc Tunisie, sinh sống tại Nice để hắn lao thẳng vào đám đông ở Promenade des Anglais đúng ngày Quốc khánh, khiến cho lễ hội pháo hoa biến thành một tấn thảm kịch ngày 14/7 vừa qua. Tên này, giống với những kẻ khủng bố trước, đều nằm trong danh sách tình nghi của lực lượng tình báo vì tiểu sử bạo lực nhưng chưa từng bị điều tra có liên quan tới khủng bố. Chính quyền nước này đã đưa ra 40 dự thảo luật nhằm tăng cường khả năng phòng chống khủng bố, từ việc tăng thêm quyền lực cho cảnh sát tới thiết lập một hệ thống tình báo nhà tù mạnh hơn.

Vì những di sản của mình từ thời kỳ đô hộ và mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa cộng đồng Hồi giáo với phần còn lại của nước Pháp mà nơi đây là mục tiêu lý tưởng của những kẻ khủng bố. “Chúng ta không nên giới hạn trong lãnh thổ đất nước này. Hàng nghìn người Tunisie, Ma-rốc, Algerie có thể được cử tới đất nước của chúng ta”, Giám đốc Cục tình báo Pháp Patrick Calvar cho hay.

Những vấn đề này không dễ hóa giải. Có thể phải cần tời hàng thập kỷ nữa mới có thể xóa đi các ranh giới hiện nay. Những gì mà Pháp có thể làm trong ngắn hạn là tăng cường khả năng quản lý và hoạt động của hệ thống tình báo.

Hoàng Việt (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/vi-sao-phap-la-muc-tieu-ua-thich-cua-nhung-ke-khung-bo/