Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không thể gia nhập EU?

Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đức cho rằng dưới thời chính quyền ông Erdogan đang đi ngược lại với những giá trị châu Âu, do đó quốc gia này không thể trở thành thành viên EU được.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức, Bộ trưởng Ngoại giao nước này là ông Sigmar Gabriel cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không thể gia nhập Liên minh châu Âu nếu ông Tayyip Erdogan vẫn còn lãnh đạo chính quyền.

Ông Gabriel nhấn mạnh: "Điều đó không có nghĩa là chúng ta không muốn họ gia nhập, tuy nhiên chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan ngày càng đi theo xu hướng ngược lại với những gì châu Âu đại diện ... Rõ ràng với tình trạng hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không thể trở thành một thành viên Liên minh châu Âu EU".

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đáp trả một cách quyết liệt lời buộc tội của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, cáo buộc Ankara "can thiệp thô lỗ" trong chiến dịch tranh cử ở Đức. Đồng thời cảnh báo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phải “biết những giới hạn của mình”.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz đưa ra nhận định rằng, với sự lãnh đạo như hiện tại thì việc Ankara gia nhập EU vào năm 2023 là không thể. Được biết, đây là thời điểm đánh dấu tròn 100 năm ngày lập nên nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi sau khi xảy ra một cuộc đảo chính vũ trang tại Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh châu Âu đã chỉ trích phản ứng của các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bắt giữ hàng loạt và một số các biện pháp khắc nghiệt khác của Ankara, đồng thời đình chỉ công tác chuẩn bị cho việc mở ra chương đàm phán mới trong hồ sơ gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo cũng ngày càng gia tăng căng thẳng, khi quốc gia này đòi chấm dứt các cuộc đàm phán về gia nhập của Ankara vào Liên minh. Còn về phần mình, Đức công bố rà soát các chính sách kinh tế đối với chương trình tín dụng và đầu tư của Ankara do có liên quan đến việc bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 4/2017, khi ông Erdogan tuyên bố giành được sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp nhằm gia tăng quyền lực cho tổng thống, cũng không nhận được thái độ mặn mà của các nước châu Âu. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Đức Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-khong-the-gia-nhap-eu-post235288.info