Vị "Tiên ông" của người nghèo

Cụ Phạm Thọ Tầng, hơn 90 tuổi, trú tại phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, lâu nay vẫn được người ta gọi với cái tên "Tiên ông". Hằng ngày cụ lặn lội một mình phóng xe tìm cây thuốc quý, nghiên cứu bài thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Không những vậy, cụ còn bỏ tiền dành dụm xây nhà trọ miễn phí cho những bệnh nhân nghèo ở xa về điều trị. Với vị lương y này, hạnh phúc là khi chia sẻ, cho đi và không cần nhận lại…

30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Nhiều người vẫn bảo, tuổi tác với cụ không có nghĩa lý gì. Quả đúng như vậy, ở cái tuổi 93, hằng ngày cụ vẫn phóng xe máy cả mấy chục cây số kiếm cây thuốc, khám chữa bệnh cho người nghèo. Cụ bảo, khỏe hay không là do tâm mình, cứ sống vui, sống nhân ái khắc sức khỏe sẽ đến.

Ở tuổi ngoài 90, cụ Tầng vẫn tự mình trồng và thu hoạch cây thuốc.

Từ khi còn là cán bộ ngành Y của Bộ Nông nghiệp, cụ Tầng đã được biết đến là một cán bộ tận tâm, hết lòng giúp đỡ người khác. Khi nghỉ hưu trở về địa phương, hình ảnh những người nghèo không có tiền chữa bệnh, họ chịu đựng đớn đau trong bất lực cứ ám ảnh cụ. Sẵn có nghề trong tay, cụ bắt đầu thực hiện ước mơ cứu giúp người thiếu may mắn.

Cụ bảo: "Thấy người ta đau đớn mà không có tiền chữa bệnh là tôi không cầm được lòng. Tôi mở phòng khám này với mục đích chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách. Chỉ cần họ có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương là hộ nghèo thì sẽ được chữa miễn phí hoàn toàn. Nếu họ ở xa, tôi có phòng trọ miễn phí để họ ăn ở và chữa bệnh".

Cụ Tầng vốn là một chiến sĩ quân y của Sư đoàn 321, cụ vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội tại chiến trường, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã từng nhiều lần vào sinh ra tử, rồi bị địch bắt tù đày tưởng như không trở lại. Trở về sau chiến tranh, cụ Tầng vẫn tiếp tục bốc thuốc cứu người, giữ chức Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cụ Tầng kể: "Những việc làm của tôi thực sự là nhỏ bé, tôi chỉ muốn giúp người nghèo để thấy lòng mình thanh thản. Bên cạnh việc đi tìm kiếm cây thuốc, tôi có trồng rất nhiều cây thuốc Nam quý tại vườn nhà. Tâm niệm giúp đỡ người nghèo, tôi đã quyết định mở một phòng khám để tiện chữa trị và thăm khám cho họ".

Bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo là niềm hạnh phúc của cụ Tầng.

Phòng khám của cụ Tầng nằm chính giữa ngã ba của trung tâm phường Xuân Khanh. Nhưng có lẽ địa điểm đẹp cũng không còn nhiều ý nghĩa với người lương y này. Ông Phạm Thọ Lâm (con trai thứ 3 của cụ Tầng) nói: "Phòng khám này mà cho thuê mỗi tháng cũng được cả chục triệu đồng. Cụ nhà tôi quyết không cho thuê mà lấy nó làm địa chỉ quen thuộc của người nghèo".

Đưa cho chúng tôi một tập giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình chính sách, cụ Tầng rưng rưng: "Đây này, hàng trăm, hàng nghìn người đến chữa bệnh. Họ đều tai qua nạn khỏi hết cả. Vui nhất là khi được chữa khỏi họ lại gọi điện đến hỏi thăm, khi tiện là qua thăm tôi luôn. Rồi có người sau này thành đạt, giàu có cũng không quên ơn, họ lại ủng hộ để xây dựng khu nhà trọ miễn phí".

Những tờ giấy xác nhận hộ nghèo đều được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ. Qua những tấm giấy ấy mới biết tiếng thơm của cụ lan rộng đến thế nào. Từ Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, thậm chí cả những tỉnh tận phía Nam cũng xin được cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí.

Anh Ngô Văn Lịch (huyện Bát Xát, Lào Cai) tâm sự: "Tôi là người dân tộc Mông, tôi bị bệnh đại tràng rất lâu rồi. Chữa các loại thuốc chỉ đỡ chứ không khỏi, chính vì bệnh tật mà ảnh hưởng đến công việc ruộng nương. Nhà thì đông con, tiền thuốc thang cũng chẳng có, may mắn tôi được một người trên huyện mách cụ Tầng chuyên chữa bệnh cho người nghèo như chúng tôi.

Ở xa xuống, lại là hộ nghèo, cụ Tầng giúp đỡ tôi rất nhiều. Cụ phát thuốc miễn phí, cho chỗ ở đàng hoàng. Ở đây điều trị được hơn 1 tháng thấy bệnh cũng đỡ đi nhiều. Thực lòng tôi chẳng biết lấy gì để cảm ơn tấm lòng của cụ".

Dùng lương hưu xây nhà trọ miễn phí

Ba mươi năm chữa bệnh và chữa khỏi cho hàng nghìn người nghèo là thành quả khiến cụ tự hào nhất. Có lẽ đó là động lực khiến cụ Tầng đêm nào cũng lặng lẽ bào chế thuốc trong khu vườn nhà, rồi túc trực ở phòng khám không để bỏ sót bệnh nhân nào đến nhờ cứu chữa. Cụ bảo, sống qua hai thế kỷ mới hiểu được hạnh phúc được sinh ra và lấp đầy khi người ta biết sống vì nhau, biết chia sẻ cho nhau.

Phút quây quần bên con cháu.

Sống là phải biết đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau, thiếu thốn và vất vả với những người thiệt thòi. Chỉ có như vậy người ta mới trân trọng cuộc sống này hơn. Cụ Tầng xúc động kể lại: "Có những người biết tiếng tôi, đi hàng trăm cây số đến xin chữa bệnh, trong túi họ không còn một đồng nào. Khi bệnh đã thuyên giảm, tôi lại đưa cho một chút tiền làm lộ phí về quê. Mỗi lần giúp được họ như thế tôi sung sướng lắm".

Điều đặc biệt hơn cả, cụ Tầng đã bỏ ra số tiền lương hưu dành dụm được để xây dựng một khu nhà cấp 4 cả chục phòng khang trang. Những phòng này để những bệnh nhân nghèo ở miễn phí trong thời gian điều trị dài ngày. Tuy không được như những bệnh viện chuyên nghiệp nhưng phòng cụ xây tại vườn thuốc cũng đủ ấm lòng cho những người nghèo.

Giấy khen được cụ Tầng treo trang trọng trong phòng khám.

Cụ Tầng tự hào: "Lương hưu của tôi giờ được hơn 4 triệu/tháng, rồi tiền con cháu ủng hộ, tiền những người quý mến gửi, tôi đã xây dựng dãy nhà này được 5 năm rồi. Mỗi ngày có cả chục người tìm đến đây chữa trị, họ sẽ được ở miễn phí, ăn uống cũng được hỗ trợ đôi phần". Cụ còn nhớ như in cái ngày quyết định xây dựng dãy nhà trọ miễn phí. Dù biết đó là nghĩa cử tốt nhưng cũng không ít người cho rằng cụ đã đi quá xa với khả năng của mình.

Hơn nữa, khi những bệnh nhân đến đây ở sẽ kéo theo bao chuyện phức tạp. Nhưng cụ chỉ nói một câu "thương thì thương cho chót" rồi lặng lẽ làm. Anh Phạm Văn Đức (phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên) xúc động: "Tôi có bệnh đau lưng nhiều năm nay. Cứ đi làm được vài hôm là đau không chịu được, chính vì thế gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo đi.

Biết được cụ Tầng thương người nghèo mà chữa bệnh miễn phí nên tôi đã đến nhờ cụ. May mắn là cụ lại cho ở, cho thuốc không mất tiền. Giờ bệnh tôi cũng thuyên giảm nhiều rồi. Cứ đà này chắc vài ngày nữa là tôi về quê và lao động bình thường được rồi. Cụ như "ông tiên" giữa đời thực của những người nghèo chúng tôi vậy".

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thuốc, cụ Tầng khoe: "Ở đây có rất nhiều cây thuốc quý như cây lá khôi, cây kim gia, cây bó xương, cây bách xanh… Tôi già rồi, rồi sẽ không đi xa kiếm được cây thuốc nữa, trồng tại vườn nhà cho tiện việc nghiên cứu và chữa bệnh".

Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ Tầng còn được mệnh danh là "Ngài khuyến học". Cụ là người đặt nền móng cho phong trào khuyến học tại địa phương. Ngày đầu lập quỹ khuyến học hằng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu là do một mình cụ gây dựng. Để tiếp nối truyền thống ấy, đại gia đình cụ luôn đi đầu trong phong trào khuyến học của địa phương.

Ông Phạm Thọ Lâm chia sẻ: "Cụ nhà tôi hằng năm cứ đến dịp 27-7 và Tết Nguyên đán đều hỗ trợ các phần quà đến các gia đình chính sách. Đặc biệt, với các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cụ đến tận nhà mừng tuổi cho các cháu. Như năm vừa qua cụ tặng 20 triệu đồng cho 4 gia đình ở thị xã Sơn Tây mua bò giống về nuôi, phát triển kinh tế. Quả thực những việc cụ làm là nghĩa cử tốt đẹp để cho con cháu chúng tôi học theo".

Chia tay chúng tôi, vị "tiên ông" của người nghèo ấy dặn dò: "Những người giàu có mà bàng quan, vô cảm, thì không những bị xã hội cười chê, mà con cháu cũng không quý mến. Mẹ cha luôn phải mẫu mực để con cháu không hư hỏng, lúc về già mới ngộ ra điều ấy thì cũng đã muộn rồi".

Ông Trần Khắc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh chia sẻ, những nghĩa cử cao đẹp của cụ Phạm Thọ Tầng quả thực là rất đáng quý và trân trọng. Có lẽ cả đời cụ làm việc thiện nên cụ được hưởng lộc trời, dù ngoài 90 tuổi cụ còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Cả 5 người con của cụ đều trưởng thành, công việc ổn định, rất hiếu thảo, sống có đạo đức. Gia đình cụ được người dân trong phường xem như tấm gương sáng để noi theo về lối sống, tình yêu thương con người với con người. Không chỉ giúp đỡ, chữa bệnh cho người nghèo, cụ luôn đi đầu trong phong trào khuyến học tại địa phương.

Phong Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/nhip-cau-nhan-ai/vi-tien-ong-cua-nguoi-ngheo-383773/