Vỉa hè Hà Nội lại bị 'tái chiếm'

Sau khi lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã ra quân quyết liệt trong việc kiểm tra, xử phạt các vi phạm về trật tự đô thị. Nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán để hàng hóa ra vỉa hè đã bị nhắc nhở, xử lý, một số công trình phụ, mái che... lấn chiếm vỉa hè cũng bị tháo dỡ. Do đó, nhiều tuyến phố ở thủ đô đã trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, gần đây lại tái diễn vấn đề này.

Khách du lịch phải đi bộ dưới lòng đường sau 2 tháng Hà Nội ra quân lấy lại vỉa hè. Ảnh: A.C

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, thời điểm 9h30 ngày 17.5, tại nhiều tuyến phố cổ Hà Nội, phần vỉa hè hẹp vẫn đang bị “chiếm dụng” chủ yếu là để dựng xe máy, bày hàng hóa... Dọc phố Lương Văn Can, Hàng Trống, Hàng Gai… có rất nhiều cửa hàng tạp hóa lẫn ăn uống. Dọc tuyến vỉa hè chật hẹp thi thoảng còn có những hộ dân cho cả ghế và khách ngồi uống trà đá, cà phê…

Phố Hàng Đào, Hàng Ngang… khá nhiều hộ kinh doanh quần áo bày hàng hóa ra cả phía khu vực vỉa hè. Tại những khu vực này, nhiều người đi bộ vẫn phải đi xuống dưới lòng đường.

Trước đó, các buổi chiều tối trên các tuyến đường Cầu Mới, Vũ Tông Phan… đều có những tấm biển cấm họp chợ, lấn chiếm vỉa hè… tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn tận dụng ra phía bên ngoài theo kiểu “được chút nào hay chút đó”. Một số tuyến phố như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Quý Đức… nhiều hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên kê bàn ghế, để xe lấn chiếm vỉa hè.

Điều đáng nói là hằng ngày, trên các tuyến phố Hà Nội, đội trật tự đô thị vẫn luôn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng dường như cuộc chiến “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ là một bài toán khá đau đầu. Nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt hôm nay, ngày mai việc lấn chiếm lại tái phát, hoặc lúc nào xe tuần tra công an đến thì trật tự, vắng công an thì đâu lại về đấy.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố - cho hay: “Chủ trương “đường thông, hè thoáng” đã có từ cách đây nhiều năm. Điều đáng nói là cách thực hiện sao cho hiệu quả, người đi bộ có được vỉa hè, đô thị được văn minh thì chưa được. Việc thực hiện “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Nhất là quy đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm. Cần phải có cơ chế tạo bãi đỗ xe trong các khu phố và có cơ chế quản lý sao cho hiệu quả”.

Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cũng cho rằng, các đô thị lớn đang có ách tắc giao thông thì cần có các bãi đỗ xe ngầm và đỗ xe nổi. Trong quy hoạch hiện nay chưa có nhiều bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dân, ví dụ như ở khu phố cổ, khu chợ… mà mới chỉ có những bãi đỗ xe tập trung lớn. Khi có những bãi đỗ xe hợp lý thì người dân đỡ phải để xe trước vỉa hè. Như vậy không gian của vỉa hè mới không bị lấn chiếm. Mặt khác, khi có hình thành các bãi đỗ xe phục vụ đời sống dân sinh hằng ngày như vậy thì rất cần cơ chế quản lý sao cho chặt chẽ, không để tình trạng gửi xe giá vé quá cao, tiện dụng cho việc sinh hoạt của người dân… Công tác kiểm tra và giám sát phải được thực hiện thường xuyên.

Theo TS Nghiêm, các địa phương phải thực hiện việc chống lấn chiếm vỉa hè một cách thường xuyên hơn chứ không phải mang tính chất sự kiện. Mặt khác, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, công tác ra quân kiểm tra, giám sát và xử phạt phải được nghiêm minh. Về việc sử dụng vỉa hè của các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh có nhà tiếp giáp với vỉa hè là trách nhiệm của người dân và của cả cơ quan quản lý. Có những vấn đề kinh doanh cần có chỗ đỗ xe nhưng mà lại không xem xét điều kiện đỗ xe như quán karaoke, cửa hàng ăn… Do vậy khi xem xét điều kiện kinh doanh cần phải tính toán cả những yếu tố trên.

TRẦN VƯƠNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/via-he-ha-noi-lai-bi-tai-chiem-665673.bld