VIDIFI lên tiếng về 'lùm xùm' tiền lẻ qua trạm QL5

Phía Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, nguồn thu phí qua trạm QL5, đoạn Văn Lâm (Hưng Yên) từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa cho chính QL5.

Từ chiều ngày 4 - 6/9, hàng chục tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng để trả phí qua trạm QL5, đoạn xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên).
Dù Công an tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Lâm đã duy trì lực lượng chốt trực, đơn vị quản lý trạm cũng đã tiến hành thu phí tận xe để tránh ùn tắc tại cửa trạm nhưng sự việc vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Người dân địa phương và các tài xế qua trạm thu phí nói trên bày tỏ bức xúc về 3 vấn đề chính. Thứ nhất là VIDIFI thu trên QL5 cũ để bù chi phí cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; thứ hai là chất lượng mặt đường QL5 thấp nhưng thu phí cao; thứ ba là người dân sinh sống qua trạm chưa được miễn giảm phí. Phía VIDIFI đã lên tiếng trả lời những vấn đề nêu trên.
Theo đại diện VIDIFI, Thực hiện Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được giao chủ trì đầu tư xây dựng Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT không vì mục tiêu lợi nhuận.
VIDIFI được giao làm chủ đầu tư Dự án và được giao quyền thu phí QL5, bắt đầu từ năm 2009. “Việc giao VDIFI quyền quản lý thu phí 2 trạm QL5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP” - vị này khẳng định.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã xác định thời gian VIDIFI được thu phí (cả đường cao tốc và QL5) là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó sẽ bàn giao cả 2 đường cho Nhà nước.
Tổng Giám đốc VIDIFI Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: “Nếu đúng như tính toán thì nguồn thu từ QL5 cũ sẽ dùng để bù dắp lại chí phí xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, thực tế nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa cho chính QL5, chưa hỗ trợ được cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quy định”.
Nguyên nhân do phía VIDIFI đưa ra là QL5 được đại tu, mở rộng nâng cấp từ năm 1998, đến nay đã gần 20 năm. Hiện tại phần lớn mặt đường và các công trình phụ trợ… đã xuống cấp nặng nề và đều đã quá thời hạn đại tu.
Theo dự kiến cần phải đầu tư từ 2500 - 3000 tỷ đồng thì mới sửa chữa căn bản những hư hỏng để đảm bảo khả năng khai thác và nâng cao tuổi thọ QL5.
Với mức thu phí như hiện nay thì doanh thu thu phí QL5 mới chỉ cơ bản đáp ứng được việc sửa chữa QL5 trong thời gian tới, chưa hỗ trợ cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo như dự kiến ban đầu.
Liên quan đến vấn đề chất lượng mặt đường QL5, phía VIDIFI cho biết đã hoàn thành việc lập dự án đầu tư và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét phê duyệt để sớm thi công sửa chữa QL5 vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện thông tin thêm, trạm thu phí trên QL5 nằm trong những trạm mà Tổng cục đang rà soát về mức phí và hoạt động thu phí. Tuy nhiên, việc miễn, giảm phí phải có đề xuất của địa phương.
“Tổng cục đã yêu cầu địa phương khảo sát số lượng người dân vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí QL5 trong phạm vi bán kính 3 - 5km để trình xem xét chính sách miễn giảm” - ông Huyện thông tin thêm.
VIDIFI vừa có văn bản báo cáo và đề nghị Tổng cục An Ninh và Công an các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại trạm thu phí QL5, địa bàn huyện Văn Lâm.

Yến Dư

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vidifi-len-tieng-ve-lum-xum-tien-le-qua-tram-ql5-297429.html