Việc mua ngân hàng 0 đồng gây tranh cãi sẽ được đưa vào luật

Không chỉ buộc phải chuyển giao bắt buộc, các ngân hàng yếu kém không có khả năng phục hồi sẽ có nguy cơ bị phá sản.

Ngân hàng âm vốn điều lệ phải chuyển giao bắt buộc

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) là phương án chuyển giao bắt buộc các  TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo dự thảo Luật, điều kiện chuyển giao bắt buộc là: TCTD không xây dựng được/không được phê duyệt phương án phục hồi hoặc đã được phê duyệt phương án nhưng không phục hồi được; Không thực hiện được việc thay đổi tư cách pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp cho nhà đầu tư mới); Giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm; Có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc.

Hình thức chuyển giao bắt buộc là: Chỉ định TCTD, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao bắt buộc. Đơn vị được giao thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao là NHNN (trình Chính phủ phê duyệt).

Thực tế, việc NHNN mua 3 ngân hàng 0 đồng trước đây chính là việc chuyển giao bắt buộc. Tuy Luật các TCTD hiện hành đã quy định NHNN có quyền trực tiếp mua cổ phần bắt buộc song việc NHNN mua 3 ngân hàng 0 đồng thời gian qua vẫn gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, Luật sửa đổi lần này đã được quy định chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, thời gian qua, NHNN cũng đã yêu cầu nhiều ngân hàng TMCP như VietinBank, Vietcombank… hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém nhưng lại chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, khiến các ngân hàng trên e ngại do sợ “gánh” trách nhiệm và núi nợ xấu.

Chính vì vậy, dự thảo Luật lần này bổ sung quyền của TCTD được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc.

Theo đó, các TCTD nhận chuyển giao bắt buộc được sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc nhưng không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của NHTM được huyểh giao bắt buộc, được loại trừ NHTM được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Ngoài ra, khoản vốn góp không bị trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc. các TCTD nhận chuyển giao bắt buộc cũng được quyền bán, phát hành cổ phần của TCTD được chỉ định cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp…

Mở đường cho phá sản ngân hàng

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa ra rất nhiều quy định về kiểm soát đặc biệt.

Hiện nay, do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, NHNN không có cơ sở pháp lý để xử lý dứt điêm các TCTD được kiểm soát đặc biệt nếu các cổ đông chống đối hoặc không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian xử lý trách nhiệm tài chính…

Do đó, dự thảo luật lần này bổ sung các quy định về trường hợp nào thì bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, quy định rõ về thẩm quyền xử lý, về chấm dứt kiêm soát đặc biệt. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong việc xử lý, cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, Chính phủ quyết định chủ tưởng và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi, xử lý pháp nhân NHTM, ngân hàng HTX, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt và đưa ra mức cho vay đặc biệt với lãi uất ưu đãi với TCTD được kiểm soát đặc biêt theo đề nghị của NHNN, trừ phương án phá sản.

NHNN có quyết định phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân với các Quỹ TDND và tổ chức tín dung vi mô…

Thùy Liên

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/viec-mua-ngan-hang-0-dong-gay-tranh-cai-se-duoc-dua-vao-luat-198318.html