Viên đạn của tay súng IS và bức ảnh trả giá bằng mạng sống

Phóng viên ảnh chiến trường người Hà Lan Jeroen Oerlemans đã thiệt mạng bởi một viên đạn bắn thẳng vào tim từ một tay súng phiến quân IS khi đang tác nghiệp ở Lybia cuối năm 2016.

Phóng viên ảnh chiến trường người Hà Lan Jeroen Oerlemans.

“Người đi tới những nơi mà người khác không dám đến”

Jeroen Oerlemans - phóng viên ảnh chiến trường dày dặn kinh nghiệm của Hà Lan - đã bị một tay súng bắn tỉa của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại khi đang tác nghiệp trong một cuộc đụng độ giữa IS và lực lượng quân chính phủ tại thành phố Sirte, Libya ngày 2.10.2016. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), phóng viên ảnh 46 tuổi người Hà Lan là nhà báo thứ 3 bị giết ở Libya trong năm 2016. Robert Mahoney - Phó Giám đốc điều hành CPJ - bày tỏ: “Cái chết của Jeroen Oerlemans là một lời nhắc nhở rằng những nhà báo mang tới cho chúng ta những hình ảnh, video từ tiền tuyến thường phải trả cái giá đắt nhất”.

Đó là một ngày chủ nhật cuối năm 2016, nhà báo tự do đang cộng tác cho tuần báo Knack (Bỉ) bị bắn khi một mình chạy băng qua đường để ghi lại những khoảnh khắc đắt giá trong cuộc chiến tại thành phố Sirte. Nhà báo Joanie de Rijke đồng nghiệp đồng hành cùng chuyến đi cuối cùng của nhà báo xấu số cho biết, viên đạn từ một tay súng bắn tỉa ẩn nấp trong tòa nhà trên phố đã nhằm thẳng vào tim anh. Dù khi đó, Jeroen Oerlemans có mặc áo chống đạn và đội mũ bảo vệ như trang phục của nhà báo tác nghiệp trên chiến trường.

Cái chết của Jeroen Oerlemans là một lời nhắc nhở đau đớn vì sự nguy hiểm mà các phóng viên chiến trường phải đối mặt khi đưa tin tại các điểm nóng trên thế giới. Joanie de Rijke chia sẻ trên Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS anh mặc áo chống đạn, đội mũ khi tác nghiệp cũng không thể đảm bảo an toàn.“Điều an ủi duy nhất là anh ấy đã qua đời ngay, không bị đau đớn gì” - nữ nhà báo đau xót kể lại.

Giới chức Hà Lan, đồng nghiệp và công chúng đã bày tỏ lòng tiếc thương sự ra đi bất ngờ của phóng viên ảnh kỳ cựu Jeroen Oerlemans. Eric Strating - Đại sứ Hà Lan tại Libya - chia sẻ trên Twitter: “Những bức ảnh của Sirte Libya và những nơi khác sẽ còn mãi. Chia buồn với tất cả những người yêu mến anh ấy”. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders chia sẻ: “Oerlemans là một nhà báo đi tới những nơi mà người khác không dám đi. Được thôi thúc để truyền tải tin tức qua những bức ảnh ở những điểm nóng trên thế giới. Thật buồn khi cuối cùng anh ấy phải trả giá quá đắt cho điều đó”.

“Chúng tôi rất may mắn”

Trong sự nghiệp phóng viên ảnh của mình, Jeroen Oerlemans đã đi rất nhiều nơi, ghi lại những hình ảnh ở nhiều khu vực xung đột trên thế giới vào những thời điểm căng thẳng nhất. Anh đặt chân tới thủ đô Badhdad của Iraq năm 2003, lên đường tới Chad, Sudan năm 2004, tới Bosnia, Iran năm 2005, hay đặt chân đến Lebanon, Afghanistan năm 2006. Trong những năm trước khi qua đời, Jeroen Oerlemans phần lớn làm việc tại các chiến trường Afghanistan, Libya và Syria. Những bức ảnh của một nhiếp ảnh gia “mạnh mẽ” “thận trọng và rất thông minh” như lời một đồng nghiệp của anh chia sẻ từng được đăng tải trên các trang báo quốc tế lớn như: Newsweek, Times, The Guardian, International Herald Tribune, The Sunday Times….

Năm 2012, Jeroen Oerlemans cùng phóng viên ảnh người Anh John Cantlie bị bắt cóc sau khi vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ chui qua một lỗ trong hàng rào biên giới và leo lên một ngọn đồi ở khu vực Bab al-Hawa, Syria nơi lực lượng phiến quân Hồi giáo đang chiếm đóng. Trong cuộc phỏng vấn với NRC, Jeroen Oerlemans kể lại: “John (Cantlie) đã từng vào Syria theo đường này. Nhưng khi đó anh đi về hướng bên trái, còn lần này chúng tôi đi về phía bên phải. Một tay buôn lậu người Syria đã chỉ cho chúng tôi hướng này. Anh ta liên tục nói chuyện điện thoại, không nói tiếng Anh vì thế chúng tôi không thể thảo luận gì. Sau khi đi một lúc, chúng tôi đi thẳng vào một nơi mà tôi nghĩ là một trại tị nạn. Một nhóm 20 tay súng bắt đầu la hét, chĩa súng vào chúng tôi”.

Jeroen Oerlemans và đồng nghiệp bị giam ở một trại lính nơi có vài chục tay súng cực đoan, phần lớn là người nước ngoài đến từ Bangladesh, Anh, Chechnya, Pakistan… Chúng còng tay, đội mũ trùm đầu, bịt mắt và liên tục đe dọa giết anh cùng đồng nghiệp. “Họ không tin chúng tôi là nhà báo, họ nghĩ chúng tôi là CIA” - Oerlemans chia sẻ. Trong bài phỏng vấn trên NRC, nhà báo 46 tuổi cho biết anh và Cantlie đã được đưa vào trại có hai người đàn ông bị còng tay. “Họ nói với chúng tôi rằng đó là những người đã cung cấp thông tin của chúng cho Assad và chắc chắn sẽ phải chết” - anh nói.

Vào ngày thứ hai sau khi bị bắt, Oerlemans và Cantlie quyết định đào thoát qua một lỗ trong lều, chạy thoát lên đồi nhưng bị một nhóm phiến quân phát hiện. Chúng bắn súng và khiến Oerlemans bị thương ở chân còn Cantlie bị thương ở tay. Jeroen Oerlemans chia sẻ với New York Times: “Chúng tôi thực sự may mắn. May mắn không ngờ” khi nói về việc bị thương lúc trốn chạy. Phóng viên ảnh người Hà Lan nhớ lại: “Chúng tôi đã được gã giống người Pakistan nói tiếng Anh cứu mạng. Họ lôi chúng tôi trở lại trại, chăm sóc vết thương cho chúng tôi”.

Ngày 26.7, một tuần sau khi bị bắt cóc, Jeroen Oerlemans và bạn đồng hành nghĩ mình sẽ bị chuyển đến Iraq hoặc tới một nhóm phiến quân khác thì thấy một nhóm của lực lượng quân đội giải phóng Syria đi vào và tuyên bố được tự do. Ba giờ sau đó, Jeroen Oerlemans và John Cantlie đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng nghiệp của anh, Jan Van Der Burg nói rằng, việc bị bắt cóc, bị đe dọa tính mạng không làm nhiếp ảnh gia từng rong ruổi khắp các điểm nóng xung đột trên thế giới chịu gánh nặng tâm lý quá lớn. “Đối với nhiều người đó là một trải nghiệm đau đớn. Nhưng điều đó không đúng với Jeroen. Khi bạn gặp anh ấy bạn cảm thấy một tình bạn ngay tức khắc. Bạn nhận ra ngay anh ấy thực sự là một người đàn ông tốt. Thái độ này đã giúp anh ấy sống sót trong suốt thời gian bị bắt cóc”.

Nói về trải nghiệm bị bắt cóc và bị đe dọa tính mạng ở Syria, Jeroen Oerlemans từng chia sẻ với một nhà báo Hà Lan khi vừa trở về nhà rằng: “Tôi sẽ không phán xét bất kỳ tình huống nào khác thậm chí còn đột ngột hơn. Không có bức ảnh nào đáng để phải trả giá bằng sinh mạng”.

Những bức ảnh thông minh và sự thấu cảm

Jeroen Oerlemans sinh ngày 15.5.1970, tại Vught, tỉnh Bắc Brabant, Hà Lan. Trước khi viên đạn của một tay súng bắn tỉa IS bắn thẳng vào tim cướp đi sinh mạng của anh ngày chủ nhật khi Jeroen Oerlemans đang đi tác nghiệp như bao ngày khác, anh đã lên kế hoạch trở về nhà với người vợ yêu dấu Boes và ba người con đáng yêu của mình vào ngày hôm sau.

Sau khi anh qua đời, một quỹ mang tên Jeroen Oerlemas Foundation đã được lập ra. Bên cạnh bức ảnh anh cười rạng rỡ trên website của quỹ là dòng chữ “Jeroen Oerlemans - Người đàn ông của gia đình, người bạn và nhiếp ảnh gia”.

Ngoài việc đi tới các điểm nóng ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Jeroen Oerlemans còn làm việc tại Đại học Amsterdam và làm công việc chụp ảnh chân dung, công việc giúp anh “cân bằng việc chụp ảnh xung đột với các dự án thương mại phục vụ mục đích tài trợ cho công việc mà anh ấy thực sự đam mê”. Cho đến năm 2003, anh đã chụp ảnh chân dung hơn 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, chính trị gia… tại Hà Lan.

Jeroen Oerlemans từng chia sẻ: “Với tôi, chụp ảnh chiến tường chỉ là một phần trong cuộc sống và chắc chắn đó không phải là phần quan trọng nhất. Tôi có một gia đình với ba đứa con và vợ tôi, một luật sư bận rộn. Và là một freelancer, tôi cũng làm những công việc khác như một nhiếp ảnh gia, chụp ảnh chân dung chẳng hạn, để kiếm tiền”.

Jeroen Oerlemans là một trong những học trò xuất sắc của lớp học nhiếp ảnh báo chí tại Đại học London College of Communication năm 1999. Giáo sư Patrick Sutherland nhớ lại về cậu sinh viên Hà Lan dễ mến, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng: “Những bức ảnh của cậu ấy nguyên bản, thẳng thắn và không sợ hãi. Cậu ấy có một sự gắn kết mạnh mẽ với ảnh báo chí, một niềm tin rằng những bức ảnh báo chí có sức mạnh kể những câu chuyện quan trọng. Những bức ảnh có sự thông minh và sự thấu cảm”.

Năm 2000, nhiếp ảnh gia người Hà Lan lên đường tới Palestine nhưng trải nghiệm đau đớn khi nhìn thấy cậu bé bị bắn ngay trước mắt khiến anh trở về quê nhà, đi chụp ảnh chân dung. Nhưng phóng viên ảnh chiến trường trẻ tuổi hâm mộ phóng viên ảnh chiến trường người Mỹ James Nachtwey cùng khao khát “làm một điều gì đó có ý nghĩa” đã đưa anh trở lại các điểm nóng khủng hoảng trên thế giới với người bạn đồng hành Joeri Boom để “ghi lại những khía cạnh nhân đạo của mỗi địa điểm riêng biệt”.

Nhà báo Bette Dam từng đồng hành với Jeroen Oerlemans tại Kabul (Pakistan) chia sẻ, anh không chỉ là một phóng viên chiến trường mà là người quan sát khiêm nhường, người thật lòng quan tâm đến sự đau đớn, tổn thương của những người anh chụp ảnh, cám ơn họ khi giúp anh có những bức ảnh đẹp và pha trò cười khi anh ấy có thể. “Jeroen đầy năng lượng với khả năng kể những câu chuyện quan trọng, truyền những thông điệp về cuộc xung đột đầy đau thương này đến với công chúng”.

Hà Liên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/vien-dan-cua-tay-sung-is-va-buc-anh-tra-gia-bang-mang-song-676268.bld