Viện Nghiên cứu nguyên tử Nga vinh danh GS Trần Thanh Vân

Ghi nhận cống hiến to lớn của GS Trần Thanh Vân với cộng đồng Vật lý thế giới, Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) vinh danh và trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông.

Tại hội nghị quốc tế Khoa học cơ bản và xã hội chiều 8/7, GS Victor Matveev - Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) - đã vinh danh và trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS Trần Thanh Vân - người sáng lập "Hội gặp gỡ Moriond", "Hội Gặp gỡ Việt Nam".

GS Trần Thanh Vân (phải) nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) chiều 8/7. Ảnh: Minh Hoàng.

Tại buổi lễ, 5 giáo sư đoạt giải Nobel cùng hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng đứng lên vỗ tay chúc mừng nhân sự kiện GS Trần Thanh Vân được Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) vinh danh và trao bằng Tiến sĩ danh dự.

GS Vitor Matveev bày tỏ, GS Vân đã có nhiều cống hiến, sáng lập "Hội gặp gỡ Moriond", "Hội Gặp gỡ Việt Nam" kết nối các nhà khoa học thế giới và Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của khoa học Vật lý thế giới.

Chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2002 là GS Kurt Wüthrich bày tỏ lòng ngưỡng mộ GS Trần Thanh Vân vì vị giáo sư này đã cố gắng đưa các hội nghị khoa học quốc tế xích lại gần nhau hơn.

“Không chỉ các bạn học những gì ở chúng tôi mà ngay cả các nhà khoa học cũng được học hỏi rất nhiều từ các bạn. Bên cạnh việc được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, tôi còn được tiếp xúc với những bạn trẻ yêu khoa học của các bạn.

Đó thật sự là những điều tuyệt vời, những trải nghiệm thú vị khi chúng tôi đến Bình Định”, ông Kurt Wüthrich thổ lộ.

GS Vân là người gốc Quảng Bình. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông qua Pháp học. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris với hai bằng cử nhân Vật lý và Toán học. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về lĩnh vực Vật lý hạt cơ bản năm 1963.

Các giáo sư đoạt giải Nobel cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế vỗ tay chúc mừng GS Trần Thanh Vân. Ảnh: Minh Hoàng.

Sau đó, GS. TS Trần Thanh Vân tham gia giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.

Năm 2011, GS Trần Thanh Vân nhận được huy chương AIP Tate dành cho nhà lãnh đạo Quốc tế trong lĩnh vực Vật lý. Ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng này. Huy chương AIP Tate của Viện Vật lý Mỹ được thành lập từ năm 1959, ghi nhận đóng góp của các nhà Vật lý nước ngoài cho cộng đồng vật lý thế giới.

GS. TS Vân đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về Vật lý mang tên ông.

Hội đồng giải thưởng của AIP từng tôn vinh giáo sư Vân vì “suốt hơn 40 năm qua, ông đã có đóng góp to lớn trong việc kết nối cộng đồng vật lý của nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa”, và ông đã có “những nỗ lực không mệt mỏi trong việc xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam”.

Ông được đánh giá là nhà vật lý nguyên tử hàng đầu thế giới, với hàng trăm công trình nghiên cứu quan trọng. Với những công trình khoa học được đánh giá cao cũng như các hoạt động vì cộng đồng khoa học trên thế giới, ông đã được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu lớn, trong đó có bằng Tiến sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vien-nghien-cuu-nguyen-tu-nga-vinh-danh-gs-tran-thanh-van-post664198.html