Viện V-KIST sắp hoạt động: Khoa học có cất cánh?

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) vừa được phê duyệt danh sách các thành viên Hội đồng Viện.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh là Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đại Dương làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT; ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội; ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1.

Thành viên Hội đồng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc còn có nhiều GS, TS đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện khoa học vật liệu, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Công nghệ sinh học.

Viện V-KIST được thành lập theo Nghị định số 50 của Chính phủ ngày 18/5/2015. V-KIST mô hình Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KIST) với ngân sách lên tới 70 triệu USD (trong đó 35 triệu là vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc).

Mô hình V-KIST tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: KOICA)

Trước đó, năm 2013, trao đổi với Đất Việt, khi dự định thành lập Viện được hình thành, PGS.TS Mai Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KH-CN cho hay, V-KIST sẽ tập trung vào 3 ngành chính là công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y học, công nghệ thông tin phục vụ ngành công nghệ số.

Theo dự kiến trước đó, lương của một cán bộ nghiên cứu tại V-KIST sẽ có mức 1.000 USD (21 triệu VND) còn lương của Chủ tịch Viện vào khoảng 6.000 USD (120 triệu). Theo đó, chi phí cho 120 nhân lực của viện trong năm đầu tiên vào khoảng 37,2 tỷ đồng.

Ngoài chế độ lương, các nhà khoa học tại V-KIST sẽ được tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cũng như các ưu đãi khác như: bố trí phương tiện đi lại, nhà công vụ, ưu tiên mua nhà, miễn thuế khi mua phương tiện đi lại, hỗ trợ 30% kinh phí khi cho con đi học trường quốc tế, vợ/chồng được hưởng trợ cấp và hỗ trợ tìm công việc phù hợp…

Tuy nhiên, nói về dự án V-KIST, bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn - giảng viên cao cấp Đại học New South Wales (Úc) đã chia sẻ những lo ngại của mình: "Nhiều người kì vọng rằng “viện nghiên cứu trong mơ” này sẽ giúp cho khoa học Việt Nam cất cánh. Nhưng tôi thấy phân vân. Nếu không có nội lực thích hợp thì một sự hợp tác hay chịu sự bảo trợ của KIST như thế sẽ biến khoa học Việt Nam thành một nền khoa học lệ thuộc vào ngoại quốc".

GS Tuấn dẫn chứng, tính trung bình, các quốc gia có nền khoa học phát triển cao, tỉ lệ hợp tác quốc tế dao động trong khoảng 30 đến 40%. Theo SCImago (một trung tâm đánh giá khoa học quốc tế), một quốc gia mà có tỉ lệ hợp tác 80% có thể xem là “lệ thuộc”.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam công bố được khoảng 1000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này 75-80% là do hợp tác với nước ngoài và người nước ngoài đứng tên tác giả chính. Tỉ lệ này trong ngành y sinh học lên đến 85%. Do đó, có thể nói rằng nền khoa học Việt Nam đang hay gần ở mức lệ thuộc.

Ông lo lắng, V-KIST với sự hỗ trợ của KIST Việt Nam càng lệ thuộc vào Hàn Quốc. Đã mang tên như thế và chịu sự yểm trợ của KIST, thì chắc chắn phần lớn nghiên cứu làm tại V-KIST sẽ có tác giả Hàn Quốc và Việt Nam đứng tên.

"Khả năng cao là các chuyên gia KIST có kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp Việt Nam, họ cũng có cơ sở vật chất hơn V-KIST, nên chắc chắn họ sẽ đóng vai trò chủ trì nghiên cứu. Nói cách khác, chất liệu Việt Nam có thể trở thành tri thức mà người nước ngoài làm chủ", GS Nguyễn Văn Tuấn viết.

Trước câu hỏi, V-KIST có khả năng vực dậy nền khoa học nước ta? GS Nguyễn Văn Tuấn phân tích, mỗi năm Hàn Quốc công bố gần 43.000 bài báo khoa học; trong số này 5547 (tức 13%) là xuất phát từ Đại học Quốc gia Seoul (SNU), kế đến là Đại học Yonsei (3440 bài, 8%), KAIST (2173 bài, 5%). Còn KIST chỉ đóng góp khoảng 840 bài (2%).

Nói cách khác, phần lớn hoạt động khoa học của Hàn Quốc xuất phát từ SNU, Yonsei và KAIST, chứ không phải từ KIST. Rất khó nói với một đóng góp như thế mà là “lực đẩy” cho khoa học Hàn Quốc. Nếu KIST chưa đóng vai trò lực đẩy của khoa học Hàn Quốc, thì rất khó nói V-KIST sẽ đóng vai trò như thế ở Việt Nam.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/vien-v-kist-sap-hoat-dong-khoa-hoc-co-cat-canh-3327466/