Việt kiều biến dầu nhờn thải thành... vàng: Ai lo môi trường?

Dự án của VN Oil nếu đáp ứng được nhu cầu kinh tế, đảm bảo yếu tố môi trường thì cũng nên tạo điều kiện cho họ phát triển.

Công nghệ hiện đại với giá thành cao hơn

Một kỹ sư dầu khí Việt kiều Mỹ đã thành lập Công ty cổ phần VN Oil và thực hiện xây dựng nhà máy biến dầu thải thành dầu gốc, chi phí đầu tư khoảng 110 triệu USD, nhà máy xử lý dầu nhờn thải để sản xuất dầu gốc chuẩn API II theo công nghệ của Công ty CEP (Mỹ).

Trước thông tin này, TS Công Ngọc Thắng - Phó Trưởng Bộ môn Lọc hóa dầu, Trường Đại học Mỏ địa chất cho rằng đây là đề xuất nếu làm đúng cam kết không gây nguy hại cho môi trường thì nên khuyến khích.

Cụ thể hơn, chia sẻ với Đất Việt dưới góc độ quan điểm cá nhân, ông Thắng cho biết: "Để tính hiệu quả kinh tế của dự án thì cần phải biết họ thu gom dầu gốc giá bao nhiêu, giá thành sản phẩm bán ra, còn hiệu suất như công ty VN Oil có đề cập là từ xử lý 62.000 tấn dầu thải/năm và cho ra thị trường khoảng 43.000 tấn dầu gốc AP II cũng chỉ là một phần.

Nhưng công nghệ này, với quy mô lớn thì Việt Nam chưa làm, còn nghiên cứu biến dầu nhờn thải loại thành dầu gốc thì nhiều đơn vị đã làm rồi.

Về mặt kinh tế, tôi chưa hình dung ra được bởi vì nó còn dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt các con số tính toán phải thực tế mới chính xác, chứ không phải tính toán trên giấy, nếu tính như vậy thì đã nhiều công ty, doanh nghiệp làm rồi".

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, như VN Oil có dự kiến thu hồi được 60-70% là dầu gốc so với nguyên liệu đầu vào, bằng công nghệ xử lý dầu nhớt thải bằng phương pháp Hydrotreating (CEP). Đây là công nghệ bản quyền từ Công ty Chemical Engineering Partner (Hoa Kỳ), nhưng đó là trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết, công nghệ sản xuất tại nơi khác, nhưng khi nhập công nghệ vào Việt Nam, thì khó có thể khẳng định sẽ áp dụng nguyên bản được.

Biến dầu nhờn thải loại thành dầu gốc tiêu chuẩn quốc tế?

Công nghệ bản quyền họ yêu cầu rất chặt chẽ ví dụ nhiệt độ, áp suất, chất xúc tác, tuân thủ hoàn toàn, thiết bị cũng vậy, nếu công ty mua bản quyền của bên kia thì bên bán bản quyền còn chịu trách nhiệm sản phẩm cho mình.

Thế nên chỉ cần dùng một chất xúc tác, hay điều kiện vận hành thay đổi thì lại ra sản phẩm khác, không đạt yêu cầu hay có tính năng vượt trội hơn. Vì thế theo bài toán trong nghiên cứu thì nó có thể thu hồi 70% nhưng còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, do vậy tính khả thi không thể nói trước.

Trên thế giới, đã có rất nhiều nghiên cứu về việc tái sản xuất dầu nhờn thải, có thể là họ sản xuất quy mô nhỏ. Còn ở Việt Nam, cũng có một số nhà máy tư nhân hàng chục năm trước đã thu mua bằng các đầu mối thu gom nhỏ lẻ dưới dạng can nhựa, phuy nhựa và được vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe máy, hầu hết không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn vận chuyển.

Lượng nhớt thải này sau đó được chuyển về các cơ sở xử lý với công nghệ cũ kỹ và chế biến qua loa thành dầu, nhưng công nghệ mới chỉ dừng ở mức chai, lọ thủ công, nên dầu gốc thu được không đạt tiêu chuẩn API II như quốc tế công bố.

Trong khi, dầu nhớt thải là chất thải nguy hại với khả năng gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường tự nhiên như đất trồng trọt, nguồn nước cũng như đối với sức khỏe con người.

Còn công nghệ của VN Oil thì hiện đại hơn nên chất lượng dầu gốc đảm bảo hơn, nhưng chắc chắn giá thành cũng sẽ cao hơn".

Chất thải của dự án lọc dầu khá độc hại

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, ông Thắng phân tích: "Làm gì cũng có 2 mặt, chắc chắn khi chế biến sẽ xuất hiện các chất thải nguy hại. Nói không có hại cũng không đúng, nhưng nếu xử lý các chất thải đó theo đúng tiêu chuẩn của Việt Nam, quốc tế thì nó thành không có hại.

Còn nếu trực tiếp thải ra môi trường thì sẽ gây hại, vì quá trình biến đổi phải sử dụng chất xúc tác như dung môi, loại nước thải ra là nước nhiễm dầu và bản thân dầu thải đã có kim loại nặng, tất cả các chất trên nếu thải ra môi trường thì sẽ ô nhiễm".

Theo ông Thắng cho biết thì trên trang web của công ty VN Oil thì họ khẳng định nước thải, khí thải và chất thải rắn của nhà máy đều được xử lý triệt để, đạt chuẩn xả thải theo tiêu chuẩn của Khu công nghiệp Hiệp Phước, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Dầu và kim loại được tách ra dưới dạng bùn và đưa đến nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại của thành phố. Nước thải khi này vẫn còn hàm lượng phenol cao sẽ được xử lý bằng hóa chất clo dioxit (ClO2).

Sau đó, lượng nước này tiếp tục được đưa qua lớp than hoạt tính dạng hạt (GAC) để lọc sạch các chất hòa tan còn lẫn trong nước, và cuối cùng được đưa đến bể chứa và được đấu nối với trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Khí thải sinh ra từ lò đốt là SO2, NOx được xử lý triệt để bằng phương pháp hấp thụ sử dụng dung dịch NaOH.

Nói rõ quan điểm cá nhân của mình, TS Công Ngọc Thắng cho hay: "Tôi thấy dự án của VN Oil nếu đáp ứng được nhu cầu kinh tế, đảm bảo yếu tố môi trường thì cũng nên tạo điều kiện cho họ phát triển, không nhất thiết chúng ta chỉ tập trung vào các sản phẩm hóa dầu.

Chúng ta đang phải nhập nhiều dầu gốc, nếu làm được thì giá thành sẽ rẻ hơn, bất kể sản phẩm nào phù hợp đáp ứng nhu cầu thì nên sản xuất.

Nói ngay như cái kim, sợi chỉ chúng ta vẫn nhập của Trung Quốc, trong khi tại sao chúng ta không cố sản xuất, cần gì nghĩ tới những thứ cao sang, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, phục vụ mục đích trước mắt của chúng ta".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/viet-kieu-bien-dau-nhon-thai-thanh-vang-ai-lo-moi-truong-3328803/