Viết luận văn thuê: Bộ Giáo dục không thể đứng ngoài cuộc

Thuê viết luận văn tiến sĩ là sự tha hóa trong giáo dục, đào tạo. Ngành giáo dục nên siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng của các nhà khoa học, phát hiện ra vụ viết thuê luận văn nào thì phải thu bằng.

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh loạt bài về thị trường viết luận văn tiến sĩ thuê vô cùng sôi động, không chỉ bộ GD&ĐT mà các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đã bày tỏ quan điểm chính thức đối với vấn nạn này.

PGS.TS Vũ Đức Nghiệu.

Trao đổi với PV, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu, Hiệu phó trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Tôi đã nghe nói đến hiện tượng này từ rất lâu rồi. Đây là sự gian dối trong đào tạo rất cần lên án. Để hạn chế việc này, cần nâng cao trách nhiệm của những người trong hội đồng và người hướng dẫn khoa học trực tiếp. Nếu những người này không làm tròn trách nhiệm thì để phát hiện ra việc gian lận bằng cách đi thuê viết là vô cùng khó và cũng rất khó xử lý.

Chúng tôi luôn nói với những người hướng dẫn rằng, trường là nơi đào tạo con người chứ không phải là nơi giúp người khác có được luận án để nhận được văn bằng. Để hạn chế việc gian lận chỉ có thể tin tưởng vào những người hướng dẫn, nếu họ làm đúng trách nhiệm và giúp đỡ học viên trong việc nghiên cứu khoa học thì công trình khoa học đó mới thật sự đảm bảo chất lượng”.

“Thật ra chúng tôi cũng rất đau đầu với vấn nạn này và luôn giám sát kỹ quá trình đào tạo sau đại học. Về mặt hành chính mà nói thì việc đạo văn, copy sẽ dễ phát hiện hơn và cũng dễ xử lý hơn việc viết thuê luận văn. Chính vì vậy nếu phát hiện ra vụ viết thuê luận văn nào thì phải phạt thật nặng để răn đe.

Việc quá sính bằng cấp như hiện nay cũng tạo ra hệ lụy khó lường đối với nền giáo dục nước nhà. Một người thầy thuốc tồi có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của một con người. Nhưng một người thầy tồi thì có thể làm ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ khác nhau và để lại rất nhiều hệ lụy khác, không thể lường hết được. Xã hội cũng cần lên án việc viết luận văn thuê của một số người”, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu kết luận.

GS. TS Đặng Cảnh Khanh.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS xã hội học Đặng Cảnh Khanh nêu quan điểm: “Nếu lấy trí tuệ và công sức ra để định giá 1 luận án vài trăm triệu đồng thì rẻ mạt quá. Việc bỏ tiền ra thuê viết luận án cho thấy người đó coi thường cả việc đóng góp tri thức cho xã hội lẫn chuyện học hành, thi cử. Chấp nhận trả giá để có bằng cấp chính là sự tha hóa trong giáo dục, đào tạo”.

Ông Phạm Tất Thắng.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Ngành giáo dục nên siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng của các nhà khoa học. Tương lai cũng cần hạn chế việc đánh giá, cất nhắc cán bộ thông qua bằng cấp mà đánh giá thông qua thực chất công việc.

Nếu đánh giá thông qua bằng cấp sẽ khiến người ta luôn phải tìm mọi cách để đạt được bằng cấp nhằm tiến thân chứ không phải là cần kiến thức thực. Đây chính là biểu hiện sự tha hóa về giá trị sống của xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều người chẳng có bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn làm việc rất tốt ở cương vị của mình. Khi họ có tài năng thực sự và đảm bảo thu nhập bằng năng lực chuyên môn thì cần gì phải có bằng tiến sĩ bằng mọi giá”.

Theo ông Thắng, hiện nay hệ thống luật pháp quy định về hạn chế việc viết luận văn thuê, học thuê, học giả... đã có. Tuy nhiên, có áp dụng hay không lại tùy thuộc vào các trường và cơ quan quản lý. Nếu người hướng dẫn luận văn làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì “nghề” viết thuê luận văn rất khó tồn tại.

Điều quan trọng là chất lượng của việc học thực chất hay nghiên cứu thực chất sẽ rất khác với những thứ đi mượn, đi thuê.

Lại Cường

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/viet-luan-van-thue-bo-giao-duc-khong-the-dung-ngoai-cuoc-a337845.html