Việt Nam bước vào mùa Xuân hội nhập mới

Đất nước ta bước vào mùa Xuân hội nhập. Một mốc son của quá trình hội nhập này là ngày 4/2 vừa qua, tại Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Công thương của Việt Nam đã cùng với các đồng nghiệp của 11 quốc gia thành viên đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP còn phải trải qua quá trình phê chuẩn khá khó khăn và phức tạp tại một số nước thành viên, đặc biệt sẽ vấp phải nhiều trở ngại tại Quốc hội Mỹ trong năm bầu cử.

Đất nước ta bước vào mùa Xuân hội nhập. Một mốc son của quá trình hội nhập này là ngày 4/2 vừa qua, tại Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Công thương của Việt Nam đã cùng với các đồng nghiệp của 11 quốc gia thành viên đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP còn phải trải qua quá trình phê chuẩn khá khó khăn và phức tạp tại một số nước thành viên, đặc biệt sẽ vấp phải nhiều trở ngại tại Quốc hội Mỹ trong năm bầu cử.

TPP là một trong 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết hoặc kết thúc đàm phán và là một trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã tham gia và đang đàm phán.

Mang lại nhiều mối lợi

TPP là một thỏa thuận thương mại, đồng thời là một hiệp định đầu tư quốc tế. TPP giúp cho việc tạo ra các quy tắc thương mại và đầu tư mới trong chuỗi cung cấp dịch vụ thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nắm giữ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Các nước tham gia TPP tạo ra một thị trường rộng lớn, với dân số 800 triệu người và có tổng GDP lên tới khoảng 30.000 tỷ USD, chiếm 40% GDP toàn cầu. Từ đó, TPP góp phần tạo dựng các mối quan hệ ổn định, lâu dài hơn, cũng như các đòn bẩy địa-chính trị/kinh tế đối với các đối tác kinh tế thương mại chủ yếu của Việt Nam. Đồng thời, thông qua các liên kết kinh tế thương mại ở cấp độ cao với các đối tác quan trọng của TPP, nước ta có điều kiện gia tăng các quan hệ đối tác chính trị và an ninh, góp phần củng cố tư thế đối ngoại của đất nước ta.

TPP tạo động lực cho cải cách thể chế và cùng với tăng cường xuất khẩu, sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy quá trình phát triển ở Việt Nam. Hiệp định này cũng sẽ giúp mở các thị trường mới mà nước ta phần lớn chưa có các hiệp định thương mại tự do song phương.

TPP sẽ làm thay đổi hoạt động kinh doanh khu vực này bằng cách giảm đáng kể hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho cả hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích đầu tư lớn hơn cũng như giải quyết các thách thức thương mại mới trong nền kinh tế hiện đại.

TPP tạo các điều kiện thuận lợi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ lợi ích của nó.

TPP là một trong những thiết chế kinh tế thương mại kiểu mới của thế kỷ 21, thiết lập các tiêu chuẩn mậu dịch cấp độ cao. Mối quan hệ mới này tạo điều kiện Việt Nam tiếp cận văn hóa kinh doanh hiện đại và xây dựng nền doanh nghiệp phù hợp với chủ trương được Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa qua đề ra, nhằm “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Việc gia nhập TPP sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, giá cả phải chăng hơn do cắt giảm thuế quan giữa các bên tham gia; thực phẩm nhập khẩu đảm bảo an toàn hơn so với nhiều nguồn nhập khẩu khác.

Các thách thức

Hội nhập quốc tế bản thân nó không phải là một bữa “ăn trưa miễn phí”. Việc có thể phát huy được các lợi thế mà TPP mang lại hay không sẽ tùy thuộc rất nhiều vào năng lực vận dụng các hệ thống quy tắc và luật lệ của hiệp định để bảo vệ được các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân Việt Nam

TPP là một hiệp định có rất nhiều yêu cầu, ràng buộc, không những chỉ về đầu tư, thương mại,mà cả về những hành xử, về quy định của chính phủ đối với người lao động và thủ tục hành chính.Chính phủ sẽ phải điều chỉnh rất nhiều quy định và chính sách, trong đó có quy định về đầu tư, lao động, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.TPP cũng sẽ mang đến bảo hộ lớn hơn cho các công ty, thiết lập một kênh để khởi kiện các chính phủ nếu họ tin là một chính sách không công bằng đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

TPP quy định nghĩa vụ đối với người lao động, về việc thành lập công đoàn độc lập, về công khai, minh bạch các quy định pháp luật, về trách nhiệm chống tham nhũng. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải tích cực cải cách để thực hiện các cơ hội mà TPP mở ra.

Một số nghành nghề kinh tế của nước ta sẽ chịu áp lực lớn cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà.

Việc Việt Nam ký kết TPP thể hiện mong muốn mở cửa hơn nữa, với tinh thần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Trong phần mục tiêu tổng quát trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Những khó khăn và phức tạp từ việc thực hiện các quy tắc của hiệp định chính là những điểm mà Việt Nam cần nỗ lực cải tiến. Điều đó, cùng với việc tham gia vào các quá trình liên kết và hội nhập kinh tế khác, sẽ tiếp thêm động lực cho phát triển, thúc đẩy tiến trình cải cách và đổi mới tại nước ta trong điều kiện mới./.

Người bình luận

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/140068/viet-nam-buoc-vao-mua-xuan-hoi-nhap-moi.aspx