Việt Nam cạn kiệt cát: Cát tặc, cát lậu tràn lan...

Nguồn cát của Việt Nam được dự báo sẽ cạn kiệt sau 15 năm nữa. Tuy nhiên hiện nay cát lậu, cát xuất khẩu ra nước ngoài vẫn diễn ra bừa bãi.

Cạn kiệt cát sau 15 năm

Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.

Các thống kê cho thấy, tổng tài nguyên cát của Việt Nam hiện nay chỉ ước khoảng 2,3 tỷ m3.

Cát của Việt Nam sẽ cạn kiệt sau 15 năm nữa. Ảnh: TTO

Đáng chú ý, năm 2015 nhu cầu sử dụng cát của Việt Nam vào khoảng 92 triệu m3 tuy nhiên đến năm 2020 con số trên phải đạt đến 130 triệu m3.

Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đưa ra cảnh báo, nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn.

Ở nhiều công trình đã phải dùng đến cát nhân tạo, được tạo ra từ việc nghiền đá, như công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...

Khai thác cát, rút ruột dòng sông: Hiểm họa được báo trước?

Nạo vét cát để... xuất khẩu

Công bố của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đưa ra vào thời điểm này càng khiến cho nỗi lo thiếu cát trở nên đáng báo động hơn.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, từ năm 2016 đến nay, cả nước có hơn 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn theo giấy phép của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có giấy phép nhưng không làm thủ tục xuất khẩu. Đây là các doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên các doanh nghiệp được quyền bán toàn bộ cát thu được để bù chi, sau khi nộp các loại chi phí thì được hưởng phần lợi nhuận thu được.

Phần lớn các dự án nạo vét tận thu có xuất khẩu cát sang Singapore đều tập trung ở vùng biển miền Trung.

Tình trạng cát lậu, khai thác cát xuất khẩu ra nước ngoài vẫn diễn ra bừa bãi. Ảnh: TTO

Đáng chú ý, các doanh nghiệp xuất khẩu cát sang Singapore khai báo giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3.

Cùng với việc khai thác cát bán sang nước ngoài nhằm thu chênh lệch, tình trạng “cát tặc” ngày càng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Trường hợp mới nhất là vào 5h30 ngày 1/5, trên tuyến sông Hậu thuộc khu vực phường Cái khế, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Tổ tuần tra Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68), Công an TP Cần Thơ phát hiện, tạm giữ 9 sà lan chở cát không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ.

Ở thời điểm kiểm tra, mỗi sà lan chở từ hàng trăm mét khối đến gần 1.000 m 3 cát. Tuy nhiên, các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số cát đang vận chuyển.

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, trước tình trạng cát tặc lộng hành, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và cá nhân ông tại dự án nạo vét sông Cầu.

Hà Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/viet-nam-can-kiet-cat-cat-tac-cat-lau-tran-lan-3334509/