Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU

Việt Nam cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Mới đây, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương ven biển tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đồng thời, không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước thuộc liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Theo dự kiến, cuối tháng 5 này, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để thanh tra lần thứ 5 việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, thẻ vàng sẽ bị xóa.

Ngược lại, nếu vẫn còn tình trạng vi phạm, sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu. Khi đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất khoảng 500 triệu USD mỗi năm.

 Cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Ảnh: PLO

Cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Ảnh: PLO

Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, đặc biệt là những khuyến nghị của lần thanh tra thứ 4 vào tháng 10-2023 đã đưa ra để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Song song đó là thúc đẩy việc phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.

Mới đây nhất, hồi tháng 4, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nội dung chỉ thị gồm hai phần chính: Về ngắn hạn là gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Về dài hạn là phát triển thủy sản bền vững theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các chương trình, đề án, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phù hợp với những quy định pháp luật quốc tế về phát triển thủy sản bền vững.

Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị này của Ban Bí thư. Trong đó, tinh thần của chương trình hành động xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024.

Ngành thủy sản Việt Nam bị gắn thẻ vàng từ năm 2017. Do có thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục bị sụt giảm, với mức giảm khoảng 6%-10%/ năm.

Điều quan trọng hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo, khuyến nghị từ EC, phải giảm thiểu đến mức tối đa và chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý chặt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá…

N.THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-can-tranh-thu-su-ung-ho-de-som-go-canh-bao-the-vang-iuu-post790121.html