Việt Nam đã có phòng Lab nghiên cứu IoT đầu tiên

Thông tin trên vừa được Intel chia sẻ tại Hội thảo Intel IoT Solution 2016 diễn ra sáng ngày 20/9 tại Hà Nội. Hiện trên thế giới cũng chỉ có 5-6 phòng Lab như vậy. Với những giải pháp mà các doanh nghiệp trong nước đang cung cấp và đưa vào ứng dụng, Việt Nam có thể tự tin đón đầu kỷ nguyên IoT.

Việt Nam đi trước cả Brazil và Đài Loan trong việc ứng dụng IoT

Sáng ngày 20/9, Hội thảo Intel solution IoT do Intel cùng 14 đối tác công nghệ tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội thảo chuyên sâu nhằm chia sẻ cách thức Intel và các đối tác chiến lược cải tiến và nâng cao công nghệ thông qua các giải pháp IoT trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chia sẻ về những thành tựu của intel Việt Nam trong việc phát triển giải pháp IoT, ông Trần Đức Trung - Giám đốc điều hành Intel Việt Nam cho biết: "Trong 1 năm qua Intel và các đối tác đã có những bước tiến lớn. Ngoài Smart Connected Platform IoT Platform do VNPT Technology trực tiếp thực hiện, chúng ta cũng đã có Nông nghiệp thông minh (dự án CaudatFarm), có giải pháp giao thông thông minh. Như vậy Việt Nam đã làm trước cả Brazil và Đài Loan trong việc xúc tiến đưa IoT vào ứng dụng trong đời sống xã hội."

Một thông tin đáng chú ý nữa được ông Trung chia sẻ trong Hội thảo đó chính là việc Intel đã kết hợp với VNPT Technology để hình thành một phòng Lab nghiên cứu về IoT. Đây là phòng Lab nghiên cứu về IoT hiện đại đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cũng chỉ có 5-6 phòng Lab như vậy. Trước khi hợp tác với Intel, VNPT Technology cũng đã có phòng Lab nghiên cứu về IoT của riêng mình và bằng việc hợp tác với Intel, phòng Lab sẽ được trang bị những công nghệ mới nhất, trang bị máy móc hiện đại nhất để đưa hiệu quả nghiên cứu lên mức cao nhất.

Hội thảo Intel solution IoT khai mạc sáng ngày 20/9 tại khách sạn Sheraton Hà Nội

Sẵn sàng đón đầu kỷ nguyên IoT

Ngoài những bài thuyết trình bày liên quan tới công nghệ, kỹ thuật, xu hướng thị trường, Intel cũng trưng bày và giới thiệu các giải pháp IoT hiện đang được các đối tác cung cấp tại thị trường Việt Nam. Ví dụ như giải pháp thiết bị cung cấp nguồn nước sạch và kiểm soát nguồn nước sạch (Adlink); Giải pháp dùng cho các xe tải, xe hơi kiểm soát hoạt động giao thông, dùng cho các công ty, nhà máy, thành phố thông minh, công nghiệp tự động (Advantech); Giải pháp về môi trường, trồng rau an toàn bằng công nghệ hiện đại (Cầu Đất Farm)… Các giải pháp này hiện đều đã có khách hàng tại Việt Nam sử dụng.

Trong khu trưng bày, gian hàng của VNPT Technology nổi bật và thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bởi sản phẩm được trưng bày không chỉ là giải pháp mà là hẳn một nền tảng IoT – nền tảng để từ đó phát triển các ứng dụng, giải pháp. Nền tảng IoT này VNPT Technology tự nghiên cứu và phát triển, có tên là Smart Connected Platform (SCP).

Đây là nền tảng IoT hoàn chỉnh đầu tiên và cũng là nền tảng mở duy nhất tại Việt Nam kết nối vạn vật, cung cấp dịch vụ end to end. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được VNPT Technology cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực như: Quản lý trong giao thông vận tải, trong nông nghiệp, môi trường, ngôi nhà thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong y tế, vận hành và giám sát trong nhà máy….

Nền tảng Smart Connected Platform thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia công nghệ Việt Nam bởi đây là nền tảng IoT hoàn chỉnh đầu tiên và cũng là nền tảng mở duy nhất tại Việt Nam kết nối vạn vật, cung cấp dịch vụ end to end

Với môi trường phát triển thuận tiện và linh hoạt cho các nhà phát triển; kiến trúc chuẩn hóa, SCP có khả năng mở rộng, khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng (nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ, nội dung và cá nhân). SCP còn hỗ trợ kết nối nhiều loại thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau trong khi vẫn đảm bảo tính tương thích cho toàn hệ thống.

Hai ứng dụng dành cho lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường được VNPT Technology trình bày tại triển lãm cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của quan khách bởi nó không hề thua kém ứng dụng của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Ứng dụng Smart Agriculture sử dụng công nghệ điện toán đám mây dành cho nông nghiệp thông minh, cho phép quản lý và giám sát hoạt động theo thời gian thực; phân tích, giám sát, điều khiển năng lượng, khí hậu trong khu vực nuôi, trồng; cung cấp các biểu đồ, phân tích các dữ liệu cho các chuyên gia hoặc hệ thống tự động phân tích để đưa ra các gợi ý xử lý tình huống phù hợp,các giải pháp cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng… Còn ứng dụng giám sát môi trường cho phép giám sát khí hậu trong phạm vi hẹp (nhà kính, khu bảo quản, đóng gói…), theo dõi sự thay đổi của môi trường đất, nước, và giám sát chất lượng không khí, khí Gas, H2S...

Không chỉ sẵn sàng về giải pháp cho tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam, việc tự xây dựng được một nền tảng IoT để phát triển các ứng dụng, giải pháp cũng như việc hình thành được một phòng Lab nghiên cứu về IoT hiện đại nhất nhì thế giới, Việt Nam có thể tự tin đón đầu kỷ nguyên IoT.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201609/viet-nam-da-co-phong-lab-nghien-cuu-iot-dau-tien-542277/