Việt Nam dẫn đầu ASEAN về kinh tế số

Nền kinh tế số ASEAN đang bước vào một giai đoạn tươi sáng mới, trong đó Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp

Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp

Nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực

Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực mà kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023. Dự kiến quy mô nền kinh tế số tại khu vực sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%/năm.

Nghiên cứu của Google ước tính, khoảng 3,8 triệu người dùng mới trên khắp Đông Nam Á sẽ tiếp tục truy cập trực tuyến mỗi tháng. Hiện có hơn 7.000 công ty khởi nghiệp kỹ thuật số ở khu vực, 80% trong số đó có trụ sở tại Indonesia, Singapore hoặc Việt Nam. Google cũng đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023), vượt gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Phát biểu khi HSBC công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng số trong khu vực mở rộng quy mô vào cuối tháng 3 vừa qua, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á thuộc HSBC châu Á - Thái Bình Dương Amanda Murphy cho biết, ngân hàng rất hào hứng với nền kinh tế số đang bùng nổ tại ASEAN. Với lực lượng lao động thuần thục về số hóa, đang trên đà tăng trưởng và sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử, ASEAN có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong đó, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN.

Theo lãnh đạo HSBC, tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này đến năm 2025. Kinh tế số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Với dự báo số người dùng điện thoại thông minh đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC trong bài viết “Nhận định nền kinh tế số ASEAN” ra mới đây đã cho rằng, nền kinh tế số ASEAN đang bước vào một giai đoạn tươi sáng mới, trong đó Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo khảo sát của HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết, dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Trang The Star dẫn Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số Đông Nam Á lần thứ tám do Google, Temasek và Bain &Co thực hiện cho thấy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm thứ hai liên tiếp và dự kiến sẽ giữ vị trí này đến năm 2025. Việt Nam cũng là quốc gia áp dụng thanh toán kỹ thuật số có sự phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến là 13% từ năm 2023 đến năm 2025. Tờ Strait Times nhận định, chìa khóa tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở lực lượng lao động cần cù, 49,5% trong số đó ở độ tuổi từ 15-39. Những thanh niên có khả năng thích ứng cao, ham học hỏi và nhiệt huyết để thành công chính là động lực bí mật của nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN của Ngân hàng HSBC Yun Liu cho rằng, tiềm năng về kinh tế số thực sự của Việt Nam là do dân số trẻ và đó là lợi thế của Việt Nam. Mặt khác đó là lợi thế về khả năng nhận thức, mức độ nhanh nhạy của người dân Việt Nam với các loại hình công nghệ mới.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Những đánh giá, số liệu thống kê của nước ta cũng cho thấy, kinh tế số đang phát triển nhanh và đạt được những thành quả tích cực. Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25% và tổng doanh thu lĩnh vực này đạt 40 tỷ USD, từ đó tạo đà cho các mục tiêu chiến lược năm 2025 đề ra trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.

Kết quả đo lường của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2023 là 12,33%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%). Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2023. Năm 2020, tỷ trọng này là 12,66%; năm 2021 là 12,87%; năm 2022 là 12,63%. Tuy nhiên, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP có dấu hiệu giảm nhẹ, chỉ đạt 12,33%. Nguyên nhân là do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Dù vậy, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%), Singapore (17,3%), Malaysia (23,1%).

Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuối năm 2023 đã công bố kết quả chuyển đổi số quốc gia với 62 mục tiêu đề ra. Trong số này, 18 mục tiêu đã được hoàn thành, chiếm 29%, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (43,5%) và 17 mục tiêu còn lại đang đòi hỏi nỗ lực tập trung để hoàn thành đúng hạn (27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 102 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 81%. Trong lĩnh vực sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam tiếp tục đứng trong nhóm 50 nước dẫn đầu với thứ hạng 46 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các cơ quan và bộ, ngành trong nước đến nay đã thành công trong việc đơn giản hóa 2.500 quy định kinh doanh và 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân, tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu để giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế số Việt Nam có thể đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nhằm chuyển đổi số theo hướng hiệu quả, thiết thực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024. Kế hoạch đề ra những chỉ tiêu cụ thể để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-dan-dau-asean-ve-kinh-te-so-post577090.antd