Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào nhóm dẫn đầu Asean về sở hữu trí tuệ

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2016, của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chiều 16/1, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Lê Ngọc Lâm cho biết, Chính phủ đã xác định lại mục tiêu là Việt Nam phấn đấu lọt vào nhóm dẫn đầu ở Asean về SHTT vào năm 2020.

Giải thích điều này, ông Lê Ngọc Lâm cho biết, xét tương quan giữa Việt Nam và các nước trong khu vực,việc đứng thứ hai Asean về SHTT vào năm 2020 như mục tiêu phấn đấu trước đây không phải là chuyện dễ dàng: "Nhìn vào điều kiện kinh tế, xã hội, chúng ta khó có thể đạt được vị trí như Malaysia, Singapore, Thái Lan. Vì vậy, chúng ta đã điều chỉnh lại mục tiêu là lọt vào nhóm dẫn đầu về SHTT”.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ quý 4 của Bộ KH&CN. Ảnh: Ngũ Hiệp

Chia sẻ về cách mà Cục SHTT đang tiến hành để đạt lọt vào nhóm dẫn đầu Asean về SHTT vào năm 2020, ông Lê Ngọc Lâm nói: “Cục SHTT đang có kế hoạch đề xuất sửa đổi Luật SHTT sao cho phù hợp với điều kiện phát triển, yêu cầu thực tế và những cam kết trong các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới. Các nguồn lực dành cho SHTT cũng sẽ được tăng cường. Nguồn lực của nhà nước có hạn, vì thế, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi, các doanh nghiệp cần tham gia, chia sẻ để Nhà nước có kinh phí nâng cấp hệ thống, quay trở lại phục vụ chính doanh nghiệp”.

Tại buổi họp báo, ông Lâm cũng lý giải về tình trạng xét duyệt đơn đăng ký SHTT còn chậm hiện nay: “Hiện nguồn lực của SHTT chưa đáp ứng được nhu cầu xem xét hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân, doanh nghiệp chưa cao nên cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia vào rất nhiều việc. Ví dụ như việc xử lý quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam là nước duy nhất bảo hộ quyền này trong ASEAN. Ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước không tiến hành thẩm định nội dung để cấp bảo hộ nên người đăng ký khi được thông qua đơn sẽ mặc nhiên có quyền sử dụng. Khi sản phẩm này ra thị trường, doanh nghiệp, xã hội sẽ lên tiếng phản đối nếu sản phẩm có vấn đề. Trong khi đó ở Việt Nam, trách nhiệm này thuộc về nhà nước”.

Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh, một số công đoạn xét duyệt đơn sẽ được tự động hóa, nhằm giảm thời gian tra cứu đơn: “Hệ thống cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ sẽ được ra mắt. Các cá nhân, tổ chức muốn đăng ký có thể tra cứu trước nội dung bảo hộ của mình. Nếu phát hiện trùng lặp, họ có thể chủ động sửa đổi để không bị trùng với quyền của người đi trước”.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo.

Chủ trì buổi họp báo thường kỳ này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong quý IV năm 2016, bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản: Quyết định 1931/QĐ-TTg ngày 07/10/2016 Phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công – tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN”; Quyết định 2469/QĐ-TTg ngày 16/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 - 2025". Bộ cũng đã trình Quốc hội dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và đang tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3; đồng thời xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản chính sách, pháp luật khác.

Cũng trong quý IV, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - TechFest, Startup Festival, một số hội nghị liên quan đến hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ, các hội nghị giao ban vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc...

Ngọc Vũ

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/viet-nam-dat-muc-tieu-lot-vao-nhom-dan-dau-asean-ve-so-huu-tri-tue/20170116060141771p1c882.htm