Việt Nam đối mặt 2 nguy cơ khủng bố

Việt Nam cần cảnh giác với hai nguy cơ khủng bố, đó là các nghi phạm đến Việt Nam để cung cấp tài chính cho hoạt động khủng bố và vận chuyển vũ khí trái phép.

Bà Dolgor Solongo, chuyên gia của Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đưa ra khuyến cáo này trong hội thảo sáng nay (25/3) tại Hà Nội. Chống khủng bố cần hợp tác quốc tế Bà Dolgor Solongo khẳng định, tuy Việt Nam không có tên trong danh sách các nước có nguy cơ cao về khủng bố, nhưng các đối tượng có khả năng cung cấp tài chính cho hoạt động khủng bố, hoặc ủng hộ về vũ khí, súng ống vẫn có thể thâm nhập Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không có nước nào có thể đảm bảo tự mình kiểm soát được tội phạm khủng bố. Do đó, các nỗ lực phòng, chống khủng bố của Việt Nam và các nước nói chung cần được đẩy lên thành hợp tác quốc tế. Theo khuyến cáo của bà Dolgor Solongo, để hợp tác hiệu quả với các nước, Việt Nam cần có khung pháp lý quy chuẩn, giúp nhận dạng các loại hình khủng bố, làm cơ sở cho việc điều tra, xử lý. Ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư pháp, cũng cho rằng, hợp tác quốc tế giữa các quốc gia hữu quan là điều không thể thiếu, để đảm bảo hiệu quả quá trình điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm có tính chất xuyên quốc gia này. Hợp tác quốc tế có thể thực hiện trên nhiều lĩnh vực như hợp tác điều tra, cung cấp chứng cứ, tài liệu, chuyển giao vụ án, truy tìm và tịch thu tài sản của tội phạm... Trong đó, tương trợ tư pháp và dẫn độ và hai lĩnh vực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo ông Hồng, hiện Việt Nam tham gia 8 văn kiện pháp lý của Liên Hợp Quốc về phòng, chống lại hoạt động khủng bố. Các văn kiện đó là các công ước, nghị định thư về chống tội phạm khủng bố trên tàu bay, hàng không dân dụng, hàng hải, thềm lục địa, tài trợ cho khủng bố....Trong nội khối, Việt Nam cũng ký kết Công ước của ASEAN về chống khủng bố. Hỗ trợ về kinh nghiệm và kinh phí Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết việc xây dựng Luật Phòng, Chống khủng bố của Việt Nam gặp không ít khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố. Các khó khăn khác nữa là về kinh phí, kỹ thuật để tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Vì vậy, theo ông Ngọc Anh, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng pháp luật về phòng, chống khủng bố của các chuyên gia. Theo ông Nguyễn Công Hồng, mặc dù Bộ luật hình sự của Việt Nam đã hình sự hóa về cơ bản các hành vi tội phạm trực tiếp hoặc liên quan đến khủng bố, nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một là hành vi kích động khủng bố chưa được quy định là tội danh độc lập trong Bộ luật hình sự, trong khi có thể áp dụng chế định đồng phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm. Hai là, Bộ luật hình sự yêu cầu một số hành vi phải có yếu tố cấu thành vật chất, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, như vậy sẽ hạn chế tính kịp thời và nghiêm khắc của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm. Nhìn từ góc độ của LHQ, bà Dolgor Solongo nhận định, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện tốt tiến trình xây dựng khung pháp lý chống tội phạm khủng bố. Việc Việt Nam phê chuẩn 10 trên 16 công cụ pháp lý quốc tế về lĩnh vực này thể hiện rõ tiến triển và thiện chí của Chính phủ trong xây dựng cơ chế phòng chống khủng bố. Tuy nhiên, bà Dolgor Solongo khuyến cáo, Việt Nam cũng cần lưu ý đến việc xây dựng khung pháp lý để bảo vệ công dân của mình, hướng dẫn họ tự bảo vệ mình khỏi dính líu đến các hoạt động khủng bố. "Vấn đề không phải là xây dựng Luật như thế nào, mà là thực thi như thế nào. UNODC sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong tiến trình này", bà Dolgor cho biết.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Viet-Nam-doi-mat-2-nguy-co-khung-bo/20103/85737.datviet