Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về tỷ lệ bị mã độc tấn công

Cùng với Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia bị mã độc tấn công cao nhất quý I năm nay tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với tỷ lệ trên 20%, tức là nhiều hơn gấp đôi chỉ số bị mã độc tấn công trung bình của toàn cầu (khoảng 9%).

Báo cáo tình hình an ninh mạng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được Microsoft công bố hôm 15-9, dựa trên bản báo cáo toàn cầu SIRv22. Báo cáo an ninh mạng toàn cầu của Microsoft được phát hành mỗi năm 2 lần (SIR) cung cấp tầm nhìn sâu sắc và dữ liệu chi tiết về những hiểm họa toàn cầu, đặc biệt về lỗ hổng phần mềm, các mã độc và những cuộc tấn công khai thác trên web.

Theo báo cáo này, các thị trường mới nổi thuộc khu vực là những quốc gia bị mã độc tấn công mạnh nhất. Hầu hết những địa chỉ đầu bảng toàn cầu về nguy cơ bị mã độc tấn công,  trong quý đầu năm 2017 đều là các nước kinh tế đang phát triển tại khu vực.

Ông Keshav Dhakad, Giám đốc khối phòng chống tội phạm mạng, Microsoft Châu Á trình bày báo cáo.

Bangladesh và Pakishtan là 2 quốc gia có tỉ lệ bị mã độc tấn công cao nhất thế giới. Sau đó là 2 quốc gia Đông Nam Á: Campuchia và Indonesia. Ước tính cứ 4 máy thì có 1 máy tính bị mã độc tấn công trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.

Các vùng đối mặt với hiểm họa mã độc khác có thể kể đến là Myanmar, Nepal, Thái Lan, Việt Nam, với tỉ lệ trên 20% trong quý đầu năm 2017. Con số này thậm chí còn nhiều hơn gấp đôi chỉ số bị mã độc tấn công trung bình của toàn cầu là 9%.

Trong khi đó, các thị trường có độ trưởng thành công nghệ thông tin cao, như Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, New Zealand và Singapore thì lại có tỉ lệ tốt an toàn hơn thế giới. Trong thực tế, Nhật Bản được xếp loại là quốc gia an toàn nhất, với chỉ 2% máy tính bị sự cố mã độc.

Các thị trường mới nổi thuộc khu vực là những quốc gia bị mã độc tấn công mạnh nhất.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, 2 làn sóng tấn công ransomware là WannaCrypt và Petya, đã khai thác lỗ hổng phần mềm của các họ hệ điều hành Windows, và làm tê liệt hàng ngàn thiết bị, mã hóa dữ liệu trên đó, cản trở truy cập đến dữ liệu. Điều này không chỉ gây phiền phức cho người dùng cá nhân mà còn làm gián đoạn vận hành của nhiều doanh nghiệp.

Trên toàn cầu, Win32/Spora trở thành mã độc tống tiền lây lan nhanh nhất, cũng là loại phổ cập nhất trong tháng 3. Spora mã hóa các đuôi file phổ biến như .doc, .docx, .pdf, .jpg, .xls, .xlsx và .zip. Mã độc tống tiền này có khả năng tạo bọ, lây lan nhanh khắp cả các máy tính trong mạng.

Chưa hết, báo cáo an ninh mạng SIR nhấn mạnh con số 300% tài khoản đám mây của người dùng và tổ chức bị tấn công so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng chia sẻ lượng đăng nhập từ các địa chỉ IP  chứa mã độc gia tăng 40%.

H.Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/viet-nam-dung-thu-5-chau-a-ve-ty-le-bi-ma-doc-tan-cong-458356/