Việt Nam được kỳ vọng thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Bogor

Trước những lo ngại cho rằng các nền kinh tế APEC khó có thể hoàn thành được Mục tiêu Bogor đến năm 2020, Giám đốc điều hành Ban thư ký Alan Bollard nhận định năm APEC 2017 tại Việt Nam sẽ có thể tạo đà mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) hôm 1/3, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, tiến sỹ Alan Bollard cho rằng: “Trong nhiều năm nay, quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor tương đối khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đây là mục tiêu hàng đầu của APEC, với sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên hướng tới một môi trường thương mại tự do và mở cửa. Chính vì vậy, APEC vẫn đang nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu này một cách thành công dù còn rất nhiều vấn đề chuyên môn cần phải thảo luận”.

Ông Alan cũng nói thêm rằng ông có hy vọng rất lớn vào các cuộc họp trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam sẽ đưa ra được nhiều sáng kiến, giải pháp tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thành Mục tiêu Bogor.

Phát biểu tại phiên khai mạc phiên họp toàn thể Ủy ban APEC về thương mại và đầu tư và Ủy ban quản lý ngân sách tại Nha Trang hôm 26/2 mới đây, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “APEC đang ở giai đoạn quan trọng nhằm đẩy mạnh nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Trong đó, đóng góp của các Ủy ban vào thành công chung của Năm APEC 2017 sẽ là một bước tiến then chốt trong tiến trình này”.

Tiến sĩ Alan Bollard (trái) trong cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm SOM 1. Nguồn: APEC

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp đầu năm 2017: “Về mục tiêu Bogor, Việt Nam làm chủ nhà APEC vào giai đoạn hết sức quyết định, đó là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư đến năm 2020. Điều quan trọng hơn là tại APEC 2017, chúng ta sẽ cùng các thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng từng khẳng định trước Hội nghị cấp cao APEC năm 2016 tại Peru rằng: “Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”.

Theo các chuyên gia, cho đến nay APEC đã thành công trong việc đề ra được “chương trình hành động chung” của tổ chức và “chương trình hành động riêng lẻ” của từng nước thành viên, tiến tới tự do hóa thương mại và đầu tư trong từng nước thành viên để rồi tiến tới tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020.

Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp khó khăn và thử thách vì ba lý do chính. Thứ nhất, tính đa dạng và phức tạp của khu vực với các nước có cơ cấu kinh tế cũng như trình độ phát triển rất khác nhau. Vì vậy, những ưu tiên phát triển kinh tế cũng như cách đề cập đối với các lĩnh vực hợp tác của các nước thành viên cũng khác nhau.

Thứ hai, do tính chất không bắt buộc của các cam kết nên trong quá trình thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kỹ thuật, sẽ nảy sinh những khó khăn và bất đồng. Và thứ ba, các yếu tố phi kinh tế như văn hóa, lịch sử, môi trường, an ninh... cũng sẽ có những tác động nhất định đến hợp tác kinh tế giữa các nước cũng như tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực.

Những yếu tố này có tác động qua lại với nhau và làm cho APEC tiến triển chậm hơn so với thời gian qua. Do đó vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là các nước thành viên phải nỗ lực hết sức để xây dựng lòng tin trong quá trình hợp tác và thực hiện các cải cách tự nguyện nhằm nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế của mình và từng bước phá bỏ hàng rào quan thuế và phi quan thuế, tiến tới đạt được mục tiêu của Tuyên bố Bogor (1994).

“Tuyên bố Bogor” ra đời năm 1994 tại Bogor, Indonesia. Trong tuyên bố này, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã thống nhất một mục tiêu chung là phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở cửa ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Những mục tiêu này được gọi là “Mục tiêu Bogor”.

Tuyên bố nêu bật tầm nhìn về sự hợp tác kinh tế khu vực, vốn là động lực thúc đẩy sự thành lập APEC năm năm trước đó và đặt ra mục tiêu cho chương trình hành động thương mại và đầu tư mới của các nền kinh tế APEC. Tuyên bố đã phản ánh những nguyên tắc cơ bản của hợp tác APEC: Tham gia tự nguyện, toàn diện, tôn trọng lẫn nhau và ra quyết định trên cơ sở đồng thuận.

Phan Sương - Phan Nhung

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trien-vong-hoan-thanh-muc-tieu-bogor-nho-nam-apec-2017-tai-viet-nam-post222160.info