Việt Nam khó mua tàu chiến mang siêu tên lửa BrahMos?

Hiện Ấn Độ có tới 4 lớp tàu chiến có thể triển khai tên lửa hành trình BrahMos, tuy nhiên phần lớn chúng đều là tàu cỡ hơn 4.000 tấn đến 7.000 tấn.

Hoàng Lê - Văn Biên

Newsweek dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ân Độ cho biết, chính phủ nước này đang hy vọng sẽ đạt được các thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam vào cuối năm nay. Chính phủ Ấn Độ còn đang xem xét đề xuất cung cấp cho phía Việt Nam một tàu chiến vũ trang các tên lửa BrahMos thay vì chỉ bán tổ hợp tên lửa này một cách riêng rẽ.

“Một tàu khu trục gắn tên lửa BrahMos có thể đóng một vai trò quyết định, tạo ra sự răn đe thực tế ở vùng Biển Đông”, nguồn tin trên cho biết. Ngoài ra, cũng theo nguồn tin này chính phủ New Delhi còn có thể mở rộng khoản tín dụng để hỗ trợ đối tác mua loại tàu chiến này.

Hiện chưa rõ chi tiết loại chiến hạm nào Ấn Độ sẽ đề xuất bán cho Việt Nam. Nhưng hiện nay nhìn vào đội hình biên chế chiến hạm của Ấn Độ cho thấy, các chiến hạm của nước này đã được thiết kế với cấu hình phù hợp cho 8-16 tên lửa BrahMos, còn các tàu nhỏ hơn thì có thể trang bị 2 hoặc 4 tên lửa BrahMos. Nếu muốn tạo sự răn đe mạnh trên Biển Đông chắc chắn sẽ không phải là loại tàu chiến nhỏ.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ đội tàu chiến Ấn Độ mang tên lửa hành trình BrahMos thì đa số là các tàu chiến cỡ lớn có lượng giãn nước từ 4.000-7.000 tấn. Việc vận hành chúng không phải là Việt Nam không làm được, thế nhưng hiện chúng ta chủ yếu xây dựng đội tàu hộ vệ cỡ nhỏ và vừa (ví dụ như tàu hộ vệ Gepard 3.9, Molniya). Chúng ta dường như chưa có nhu cầu với tàu khu trục hoặc hộ vệ hạng nặng. Thế nên đề xuất bán tàu chiến mang BrahMos cho Việt Nam khó mà đoán định được triển vọng có thành hay không?

Hiện nay, chiến hạm lớn nhất của Ấn Độ được trang bị siêu tên lửa hành trình BrahMos là tàu khu trục đa năng INS Kolkata có lượng giãn nước toàn tải đến 7.400 tấn, dài tới 163m, trang bị 16 tên lửa hành trình BrahMos phóng bằng hệ thống phóng đứng VLS.

Ấn Độ cũng cải tiến các tàu khu trục tên lửa do Liên Xô chế tạo thuộc lớp Rajput có lượng giãn nước gần 5.000 tấn để mang theo tên lửa hành trình BrahMos phóng theo phương nghiêng.

Hệ thống vũ khí chống hạm trên Rajput gồm 4 tên lửa hành trình BrahMos kết hợp với 2 tên lửa hành trình tầm ngắn tốc độ cận âm SS-N-2D.

Dù có lượng giãn nước tới 6.200 tấn nhưng Ấn Độ vẫn xếp lớp Shivalik là tàu hộ vệ mang tên lửa (tổng cộng 3 chiếc được chế tạo). Lớp tàu này được triển khai hệ thống VLS 8 ống có thể mang phóng tên lửa hành trình Kalibr (Nga) và BrahMos (Nga - Ấn Độ).

Lớp tàu nhỏ nhất mà Ấn Độ triển khai tên lửa hành trình BrahMos là tàu hộ vệ cỡ 4.000 tấn lớp Talwar (định danh của Ấn Độ dành cho lớp tàu Project 11356 do Nga thiết kế).

Đáng lưu ý, trong 6 tàu lớp Talwar, chỉ có 3 chiếc trang bị tên lửa hành trình BrahMos, còn lại sử dụng tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr. Ảnh: BrahMos phóng thẳng đứng từ tàu hộ vệ hiện đại lớp Talwar.

Trong số các tàu chiến mang tên lửa BrahMos của Ấn Độ, xem ra lớp Talwar có lẽ là phù hợp nhất với Việt Nam, với lượng giãn nước vừa phải. Đặc biệt, lớp tàu này được trang bị gần như 100% các hệ thống tác chiến, đảm bảo do Nga chế tạo. Trong khi hai lớp Kolkata và Shivalik kết hợp nhiều loại cảm biến từ của Nga, Israel, Ấn Độ và một vài nước khác. Điều đó sẽ gây ra những khó khăn đáng kể trong quá trình vận hành cũng như sửa chữa, bảo dưỡng tàu.

Đây cũng không phải lần đầu Ấn Độ muốn bán BrahMos cho phía Việt Nam. Năm 2011, chính quyền New Delhi cũng từng đề xuất bán loại tên lửa hành trình siêu âm này cho Việt Nam. Mới đây nhất, theo Reuters, Ấn Độ xem Việt Nam là 5 thị trường hàng đầu trong tổng số 15 thị trường mà nước này muốn xuất khẩu BrahMos. Thậm chí, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn đã thúc giục Tập đoàn BrahMos Aerospace đẩy nhanh tiến độ sản xuất tên lửa để có thể xuất khẩu sang Việt Nam.

BrahMos là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất giữa công ty NPO Mashinostroeyenia (Nga) và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Loại tên lửa này nặng tới 3 tấn, dài 8,4m, đường kính thân 600mm, trang bị đầu đạn xuyên giáp nặng 200kg. Tên lửa trang bị hai tầng động cơ gồm: tầng khởi tốc nhiên liệu rắn và tầng hành trình động cơ ramjet nhiên liệu lỏng cho tầm bay cực đại 290-300km, tốc độ bay siêu âm Mach 2,8-3.

Với tốc độ “khủng”, khả năng bay cực thấp 3-4m, hệ thống dẫn đường hỗn hợp chính xác cực cao, BrahMos hiện được xem là một trong những loại tên lửa hành trình chống hạm nguy hiểm nhất thế giới.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/viet-nam-kho-mua-tau-chien-mang-sieu-ten-lua-brahmos-695146.html