Việt Nam là cầu nối quan trọng của hợp tác giữa hai châu lục Á - Âu

Với vai trò và đóng góp to lớn tại các diễn đàn đa phương trong khu vực khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, đồng thời có quan hệ hợp tác truyền thống và đang phát triển tích cực với nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam được xem là một cầu nối quan trọng của hợp tác giữa hai châu lục Á và Âu.

Vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương

Trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam tại Cộng hòa Czech ngày 29-4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Jan Lipavsky đã đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Bộ trưởng Jan Lipavsky khẳng định, Cộng hòa Czech luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Cộng hòa Czech đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Czech Jan Lipavsky trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam Dương Hoài Nam tại Cộng hòa Czech

Người đứng đầu ngành ngoại giao Cộng hòa Czech cho rằng, là hai quốc gia ở châu Âu và châu Á có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, Cộng hòa Czech và Việt Nam cần tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU), cũng như hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Trong bối cảnh Cộng hòa Czech và Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025), Bộ trưởng Jan Lipavsky cho rằng, đây là dấu mốc rất quan trọng để hai nước làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác, nhất là chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư thông qua việc phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Những nhận định tích cực của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Czech cho thấy, quốc gia là thành viên EU này mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với một khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất dù tình hình thế giới có nhiều bất ổn, diễn biến phức tạp. Trong khi đó, với quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam có vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ASEAN, Cộng hòa Czech coi Việt Nam như là một cầu nối quan trọng để thúc đẩy hợp tác với khu vực. Đó cũng là nhìn nhận của EU và nhiều thành viên liên minh.

Việt Nam vào cuối năm 2023 vừa qua đã có tròn 25 năm là thành viên chính thức của Diễn đàn APEC hàng đầu toàn cầu gồm 21 nền kinh tế, hiện chiếm khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Những đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác suốt 1/4 thế kỷ qua đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC, được các thành viên Diễn đàn cũng như đối tác trên thế giới ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Với việc lần thứ ba đăng cai APEC 2027, Việt Nam một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược về khu vực châu Á- Thái Bình Dương và là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam từ khi gia nhập năm 1995 đã trở thành một thành viên ngày càng quan trọng của ASEAN, một trong những tổ chức khu vực năng động và thành công nhất trên thế giới. Việt Nam với những đóng góp tích cực, hiệu quả vào thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU những năm qua đã thực sự trở thành một cầu nối cho sự hợp tác giữa hai tổ chức khu vực thành công này.

Thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng

Với vai trò quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như Đông Nam Á trên thế giới, EU cũng như các thành viên của liên minh này như Cộng hòa Czech đều mong muốn mở rộng hợp tác bao trùm các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. Trong đó, sau 47 năm thiết lập quan hệ (năm 1977), nhất là kể từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU tháng 12-2020, hợp tác giữa hai khối đã phát triển năng động, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi thành viên hai tổ chức khu vực này.

EU đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố năm 2021 và mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng với ASEAN. EU hiện đã tham gia nhiều cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - EU hàng năm, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các cơ chế ASEAN - EU liên quan khác như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU (AEMM)... EU đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 2012 và là tổ chức khu vực đầu tiên gia nhập Hiệp ước TAC.

Về kinh tế - thương mại, EU hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN. Theo thống kê của ASEAN, tổng giá trị thương mại hai chiều giữa ASEAN và EU đạt 295,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,6% so với năm 2021, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU cũng đạt 24 tỷ USD, đưa EU trở thành nguồn FDI lớn thứ 3 của ASEAN. EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN (sau Trung Quốc và Mỹ), trong khi ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 của EU (sau Trung Quốc và Mỹ).

Là một cầu nối quan trọng, hợp tác Việt Nam - EU được nhìn nhận là điểm sáng trong quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU, trong đó Liên minh 27 thành viên này coi Việt Nam là hình mẫu hợp tác thành công với khu vực này trong nhiều lĩnh vực quan trọng như thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Những năm qua, quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất. Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao.

Việt Nam cùng EU cũng như nhiều thành viên của liên minh hiện có mối quan hệ rất sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Cùng với các cuộc thăm viếng, tiếp xúc cấp cao, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất, mang lại lợi ích cho hai bên. Trong đó, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016, mở ra các cơ chế hợp tác thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, an ninh - quốc phòng. Ngoài Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), hai bên còn có Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng - an ninh (FPA) tháng 10-2019...

Các khuôn khổ hợp tác trên đây đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU, và là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh này. Hiện có rất nhiều cơ hội và thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Cả hai bên đều có lợi ích và đã cùng nhau tạo dựng đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế để đẩy mạnh mối quan hệ này cũng như vai trò cầu nối của Việt Nam trong hợp tác ASEAN - EU, rộng hơn là hợp tác Á - Âu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-cau-noi-quan-trong-cua-hop-tac-giua-hai-chau-luc-a-au-post574961.antd