Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư mới

Trao đổi với các phóng viên ngày 15.8 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch IFC Châu Á - Thái Bình Dương Karin Finkelston đã đưa ra đánh giá tích cực và lạc quan về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, với dẫn chứng về tiền đồng Việt Nam ổn định, lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại tệ tăng lên.

Cuộc họp báo thường niên của IFC tại Hà Nội ngày 15.8.

Bà Finkelston cho biết, tính đến hết năm tài chính 2013 (kết thúc ngày 30.6), Chương trình Tài trợ Thương mại của IFC đã hỗ trợ các ngân hàng tham gia phát hành bảo lãnh cho 155 giao dịch với tổng giá trị hơn 800 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tài trợ thương mại dẫn đầu của IFC. “Việt Nam hiện đứng thứ 2 sau Trung Quốc với tổng vốn đầu tư mới của IFC ở khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam” - bà Finkelston nói.

Chia sẻ nhận định trên, Giám đốc khu vực IFC (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan) Simon Andrews cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sức cạnh tranh tốt, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện trong lúc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang được rót vào Việt Nam. “Việt Nam sẽ là phần quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á” - ông đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch IFC Finkelston cũng khuyến cáo về “dấu hiệu đáng quan ngại” khi Việt Nam đang trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp dài nhất kể từ công cuộc cải cách kinh tế từ cuối thập niên 1980. Bà khẳng định, trong thời gian tới, IFC sẽ tập trung hỗ trợ những hoạt động cải cách cơ cấu cần thiết nhất là trong ngành ngân hàng, nhằm giúp Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

“Việc thành lập Công ty xử lý nợ xấu (VAMC) là bước phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn phải trông chờ các cách thức triển khai cụ thể” - bà Finkelston cho hay.

Phó Chủ tịch IFC cho rằng VAMC nên tham khảo những thực tiễn tốt trên thế giới, không cần “sáng tạo” ra cách làm mới trong việc xử lý nợ xấu. Nhiều quốc gia cũng gặp phải vấn đề nợ xấu và đã xử lý hiệu quả, trong đó Thái Lan là một ví dụ điển hình. Nhưng cũng có các quốc gia thất bại trong việc xử lý nợ xấu, gây trì trệ tăng trưởng.

Theo bà Finkelston, quá trình xử lý nợ xấu đôi khi phải chịu đau, tổn thất, và có hiệu quả hay không còn tùy thuộc khung pháp lý, bảng cân đối tài sản ngân hàng. Điều quan trọng là Việt Nam cần chọn được những đối tác có kinh nghiệm nhất, thông qua đấu giá minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường. Bà Finkelston đánh giá, nợ xấu của Việt Nam có thể được xử lý trong vòng một vài năm nếu VAMC áp dụng các giải pháp tốt nhất mang lại hiệu quả cao. Còn nếu không sẽ phải mất một thời gian rất dài. “Đây là điều khó dự đoán” - bà nói.

Giám đốc khu vực IFC - ông Andrews - đánh giá năm 2014 sẽ là thời điểm thú vị với nhiều cơ hội mở ra nếu Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN Việt Nam cần tăng cường cải thiện khả năng cạnh tranh. “IFC mong muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng, các DN nhà nước của Việt Nam. Năm tới sẽ là năm bận rộn cho IFC” - ông Andrews kỳ vọng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-la-diem-den-hap-dan-cho-dong-von-dau-tu-moi/133152.bld