Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến thế giới

Nhiều nghiên cứu trong Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm nhà nước được đánh giá đạt trình độ tiên tiến thế giới, mang lại giá trị kinh tế lớn.

Nhiều nghiên cứu trong Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm nhà nước được đánh giá đạt trình độ tiên tiến thế giới, mang lại giá trị kinh tế lớn.

Kỹ sư ICDREC nghiên cứu chế tạo chip sinh học tại Phòng thí nghiệm thuộc khu CNC TP.HCM

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước 2011-2015 ngày 10/9, ông Nguyễn Thiện Thành, Phó giám đốc Chương trình cho biết đã có 99% đề tài, dự án được nghiệm thu và đạt mục tiêu đề ra là làm chủ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới; ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đóng góp tiềm lực khoa học và hiệu quả kinh tế.

Theo Ban chủ nhiệm chương trình, trong gần 200 công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được nghiên cứu có nhiều dự án đạt trình độ tiên tiến thế giới, thậm chí cao hơn, nhất là ở lĩnh vực y học. Điển hình, kỹ thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp được đánh giá cao hơn so với các quốc gia tiên tiến thế giới.

Quy trình ghép khối thận - tụy từ người chết não cũng là nghiên cứu đạt kỹ thuật tiên tiến thế giới, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép đa tạng, đặc biệt là lấy tạng từ người chết não.

Một thành công khác của y học Việt Nam là Quy trình phẫn thuật nội soi qua ngả tự nhiên (trực tràng và âm đạo) điều trị ung thư đại tràng và trực tràng. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được triển khai thành công ở Việt Nam, với 16 ca phẫu thuật thành công.

Hàng loạt kỹ thuật và công nghệ tiên tiến khác được nghiên cứu thành công và hứa hẹn phổ biến rộng rãi như quy trình sản xuất các kháng thể đơn dòng ở quy mô phòng thí nghiệm, giống ngô chuyển gene chịu hạn, đậu tương chuyển gene kháng thuốc diệt cỏ.

Không chỉ làm chủ công nghệ, các chương trình trọng điểm quốc gia 2011-2015 còn được ứng dụng vào thực tiễn, nhằm phục vụ sản xuất như giống lúa OM195, MO121, OM9918 chất lượng gạo tốt, khả năng chịu mặn, phèn đang được thử nghiệm tại 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quy mô lên đến 10.000 ha, năng suất 0,5 tấn/ha. Giống lúa thuần siêu cao sản Gia Lộc 202, NPT3 được thử nghiệm cho kết quả tốt tại 9 tỉnh miền Bắc.

15 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm 2011-2015 gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và 5 khoa học xã hội nhân văn.

Các chương trình khoa học công nghệ đã tạo ra 23 loại giống cây mới, 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với chủng cũ; 161 mẫu máy móc thiết bị được tạo ra với 65 mẫu máy hoàn thiện và ứng dụng... Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt trăm tỷ đồng.

Chương trình cũng đã đóng góp 162 kết quả khoa học đăng trên tạp chí quốc tế; 208 kết quả được báo cáo đăng trong kỷ yếu các hội thảo khoa học quốc tế.

Theo VnExpress

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1941616/viet-nam-lam-chu-nhieu-cong-nghe-tien-tien-the-gioi