Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi cho người lớn

Dự kiến, tháng 9 tới, Bệnh viện Việt Đức sẽ thực hiện ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên từ người cho chết não, cũng là ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 21-2-2017, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam (phối hợp với Học viện Quân y và các chuyên gia Nhật Bản) nhưng bệnh nhân được ghép là một cháu bé 6 tuổi và nguồn phổi ghép lấy từ người sống (bố và bác ruột hiến).

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi đầu tiên được ghép phổi thành công tại Việt Nam vào đầu năm nay

3 phương án triển khai

Trao đổi với báo chí, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho biết, khó khăn lớn đầu tiên trong ghép phổi là khâu vận động người hiến phổi và người cần ghép phổi. Mặt khác, phổi là bộ phận ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất, hồi sức sau ghép cũng vô cùng thách thức.

Thực tế trên thế giới từng có trung tâm ghép tạng phải trải qua 18 ca ghép phổi thất bại sau đó mới thành công. Thế nhưng tại Việt Nam, ngay từ ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhi 6 tuổi ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 tháng 2 vừa qua đã thành công, khẳng định khả năng thành công rất lớn của chuyên ngành ghép tạng nước ta.

Với Bệnh viện Việt Đức, hiện các khâu đoạn chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên đã được lên kế hoạch kỹ càng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã sẵn sàng.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên từ người cho chết não dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 9 tới. Người trong danh sách ghép phổi là một bệnh nhân nam bị bệnh lý về phổi, đang phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.

Do đây là ca phẫu thuật ghép phổi trên người lớn từ người cho chết não đầu tiên nên các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tính đến 3 phương án thực hiện. Một là mời chuyên gia nước ngoài tham gia kíp mổ, tuy nhiên ca ghép chủ yếu vẫn do các bác sĩ Việt Nam đảm trách. Phương án hai là có thể không mời chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Việt Nam tự tiến hành ca mổ. Phương án ba là bệnh viện mời một ê kíp chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ ca mổ ghép.

Thêm nhiều kỹ thuật ghép tạng mới

Ngoài ca ghép phổi kể trên, Bệnh viện Việt Đức cũng đã sẵn sàng cho những kỹ thuật ghép mới như ghép chi, ghép mặt, ghép ruột, ghép tử cung… GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, việc ghép chi tự thân cho những người không may bị đứt lìa cánh tay, chân hay ngón tay, ngón chân đã được thực hiện rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn hiến bởi vận động hiến chi rất khó khăn.

“Rất khó vận động bởi người dân nước ta vẫn quan niệm chết phải toàn thây. Còn với hiến tim, phổi, thận, giác mạc… thì có thể mổ ra lấy tạng rồi khâu vào nên dẫu sao vẫn dễ vận động hơn”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn phân tích. Riêng với ghép tử cung phức tạp hơn. Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, hiện nay trên thế giới, một số nước đã tiến hành ca ghép tử cung, có ca thành công song cũng có những ca thất bại. “Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung có thể sinh nở sau khi được ghép tử cung. Đây là một mục tiêu rất nhân văn”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết thêm, riêng tại Bệnh viện Việt Đức ngày nào cũng có 1 - 5 ca chết não vì tai nạn. Nếu chỉ 1/4 trong số những người chết não trên cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có hàng nghìn người đang cần ghép tạng được cứu sống.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/viet-nam-lan-dau-tien-ghep-phoi-cho-nguoi-lon/732295.antd