Việt Nam nỗ lực vượt qua tác động từ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Từ giày dép đến nội thất, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump có thể là một đòn giáng mạnh vào ngành sản xuất của đất nước.

Với chính sách thuế biên giới của Mỹ nhằm đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu vào nước này, nền kinh tế nhỏ của Việt Nam rất dễ gặp rủi ro. Phú Tài là nhà sản xuất đồ nội thất cho chuỗi siêu thị nổi tiếng Wal-Mart và 40% doanh thu của Tập đoàn miền Trung này phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

"Nếu chủ nghĩa bảo hộ dâng lên ở Mỹ, các nước dựa vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng Giám đốc của Phú Tài nói. "Chính phủ cần giúp đỡ các công ty".

Với 1/5 lượng hàng xuất sang Mỹ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á coi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, thặng dư thương mại 32 tỷ USD với Mỹ có thể đặt Việt Nam vào tầm ngắm của Nhà Trắng sau khi ông Trump ra lệnh tiến hành một nghiên cứu về việc “lạm dụng thương mại” gây ra thâm hụt của nước này.

Mức thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ sẽ làm GDP của Việt Nam giảm 0,9% - tác động tiêu cực nhất trong các nước châu Á, Nhà kinh tế Santitarn Sathirathai và Michael Wan của Credit Suisse cho biết trong một báo cáo tháng 1.

Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam

"Nếu Mỹ tạo ra một làn sóng bảo hộ mới, Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương”, ông Alexander Vuving, Nhà phân tích chính trị của Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết.

Đối với các quốc gia mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại song phương lớn nhất, nước này sẽ điều tra để đánh giá khả năng "lừa đảo hoặc có hành vi không thích hợp", Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng chính sách bảo hộ của Mỹ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và dẫn đến sự suy giảm trong xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Tuyên bố từ phía Mỹ gây ra nhiều lo ngại trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và LG đang chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây do chi phí tăng và lực lượng lao động thu hẹp lại.

Xuất khẩu tăng lên mức kỷ lục 177 tỷ USD vào năm ngoái, với thị trường Mỹ chiếm khoảng 42 tỷ USD - tăng hơn gấp đôi so với 5 năm trước. Điện thoại di động và phụ tùng chiếm nhiều nhất trong tổng lượng hàng, khoảng 27%.

Số liệu GDP gần đây nhất cho thấy mức độ phụ thuộc vào thương mại của Việt Nam. Việc Samsung quyết định loại bỏ sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy Note 7 hồi năm ngoái góp phần gây ra mức sụt giảm 11% trong lượng hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu, văn phòng thống kê quốc gia cho biết.

Thâm hụt thương mại của Mỹ so với Việt Nam

Đây cũng là một trong những lý do GDP giảm xuống mức 5,1% so với năm trước, trong khi các nhà kinh tế dự đoán mức trung bình là 6,25% trong một khảo sát của hãng Bloomberg. Thủ tướng nhận xét đây là một con số “đáng lo ngại” và yêu cầu các bộ trưởng tìm ra giải pháp thích hợp, theo thông báo trên website Chính phủ hôm 3/4. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%.

Việc Mỹ đe dọa áp đặt hàng rào thuế quan cũng gây ảnh hưởng đến các công ty trong nước. Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta Sport (Thanh Hóa) giảm 20% số đơn đặt hàng trang phục thể thao từ Mỹ trong quý I, Tổng Giám đốc Nguyễn Trọng Thấu cho biết.

Năm ngoái, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% xuất khẩu của Delta Sport, tương đương 30 triệu USD doanh thu. Khách hàng bao gồm chuỗi siêu thị Wal-Mart và Mizuno, theo website của hãng.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam bằng cách giảm hoặc thậm chí xóa bỏ thuế nhập khẩu của Mỹ trong một số trường hợp. Sau khi cường quốc này rút khỏi TPP, Việt Nam đang chuyển sang kế hoạch B.

Chính phủ từng tuyên bố sẽ thúc đẩy thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu của thỏa thuận, bao gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các ngành như nông nghiệp và sản xuất cũng sẽ được cải thiện để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức một chuyến đi sang Mỹ để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội gặp gỡ các khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.

"Trong môi trường hiện nay, điều quan trọng là chúng ta phải cải thiện khả năng cạnh tranh của mình”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết.

Ông Michael Michalak, Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Mỹ kiêm cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói rằng Việt Nam sẽ tìm cách để duy trì TPP ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.

Một giải pháp thay thế sẽ là các thỏa thuận song phương hoặc thỏa thuận nhóm với các nước láng giềng và các nước Mỹ Latinh trên cơ sở các cuộc đàm phán trước đó, ông nói.

"Tôi không nghĩ rằng Việt Nam muốn thấy nỗ lực đàm phán trong 6 năm qua bị bỏ phí", ông nói. "Vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển".

Phú Tài chi khoảng 140 tỷ đồng (6,2 triệu USD) để xây dựng một nhà máy ở tỉnh Bình Định để nâng cao năng suất và cắt giảm trung gian trong việc kinh doanh với Wal-Mart, ông Hòe cho biết.

“Việc này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí” ông nói. “Chúng ta phải cạnh tranh hơn để đối phó với những tác động của chủ nghĩa bảo hộ”.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/viet-nam-no-luc-vuot-qua-tac-dong-tu-chu-nghia-bao-ho-cua-my-20170407024940304p145c152.news