Việt Nam - Thành viên tích cực, đối tác chủ động của Liên hợp quốc

Ngày 20-9, Việt Nam kỷ niệm 40 năm gia nhập Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Trong suốt 40 năm qua (20/9/1977 - 20/9/2017), mối quan hệ giữa hai bên không ngừng được cải thiện và phát triển. Từ một nước nhận viện trợ để khôi phục phát triển đất nước sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực tham gia vào các cơ chế của LHQ và là một đối tác chủ động đóng góp xây dựng tổ chức này.

Lễ thượng cờ Việt Nam trước trụ sở LHQ trong lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức ngày 20-9-1977. Ảnh: Tư liệu

Quyết định mở ra thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam

Ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Do tương quan lực lượng tại LHQ và trên thực tế khi đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.

Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức LHQ, ngay từ những ngày đầu lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Anh… “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”.

Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập LHQ, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới.

Sau khi Việt Nam thống nhất, tháng 7-1975, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York (Mỹ) để vận động tham gia LHQ. Các nước đều ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ nhưng tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực HĐBA để ngăn cản Việt Nam gia nhập tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Tháng 1-1977, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức đã nới lỏng cấm vận, đồng ý để Việt Nam gia nhập LHQ. Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ ngày 20-9-1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Cùng ngày, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở LHQ.

Dự buổi lễ có Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký LHQ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu cùng đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè Mỹ. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Tham gia LHQ, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của LHQ như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do LHQ tổ chức. Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996…

Đặc biệt, ngày 16-10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại…

Trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đang một lần nữa ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đó chính là cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các sứ mệnh cao cả của LHQ.

Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời là một trong 8 nước thực hiện thí điểm Sáng kiến “Thống nhất hành động” và đang triển khai thành công Sáng kiến này. Tại các diễn đàn LHQ, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan LHQ theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Ảnh: TTXVN

Từ thực tế hoạt động triển khai chủ trương chính sách đối ngoại tại các diễn đàn hệ thống LHQ, Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn, qua đó ứng dụng linh hoạt và phù hợp trong nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương khác. Trong suốt 40 năm qua, Việt Nam luôn tiến hành chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, rộng mở, “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế.

Từ một đất nước còn khó khăn sau chiến tranh, cùng với sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của LHQ và các nước bạn bè trên thế giới, Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ cuối tháng 5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ hết sức quý báu của LHQ và cộng đồng quốc tế trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, phát triển và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Ngọc Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-nam-thanh-vien-tich-cuc-doi-tac-chu-dong-cua-lien-hop-quoc/