Việt Nam tiếp tục nhập siêu 323 triệu USD

Tính từ ngày 1 đến hết 15/6, cả nước tiếp tục nhập siêu 320 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/6/ thâm hụt hơn 2,8 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2017 (từ 1/6 đến 15/6/2017) đạt hơn 17,5 tỷ USD giảm 12,9% (tương ứng giảm hơn 2,85 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 5/2017.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 179,84 tỷ USD, tăng 21,5% (tương ứng tăng hơn 31,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tiếp tục thâm hụt 320 triệu USD, nâng mức thâm hụt từ đầu năm lên 2,8 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/6/2017 so với cùng kỳ năm 2016) Ảnh: Tổng cục Hải quan

Thống kê cũng cho thấy, trong nửa đầu tháng 6/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 11,35 tỷ USD, giảm 13,5% tương ứng giảm gần 1,78 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5/2017.

Tính đến hết ngày 15/6/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 117,8 tỷ USD, chiếm 65,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 23,8%, tương ứng tăng gần 22,62 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 6/2017 thặng dư 759 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/6 hơn 7,55 tỷ USD.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 06/2017 đạt gần 8,59 tỷ USD, giảm 16,7% (tương ứng giảm hơn 1,72 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 5/2017.

Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/6/2017 so với cùng kỳ năm 2016)

Trong đó: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 26%, tương ứng giảm 616 triệu USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 34,3%, tương ứng giảm 250 triệu USD; Giầy dép các loại giảm 11%, tương ứng giảm 87 triệu USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%, tương ứng giảm 85 triệu USD; Sắt thép các loại giảm 51,6%, tương ứng giảm 78 triệu USD; Hàng thủy sản giảm 19,1%, tương ứng giảm 77 triệu USD; …

Ở chiều ngược lại số ít nhóm hàng tăng như: Cao su tăng 31,3%, tương ứng tăng 19 triệu USD; Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 27,4%, tương ứng tăng 9 triệu USD.

Tính đến hết ngày 15/6, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 88,52 tỷ USD, tăng 18,7% (tương ứng tăng hơn 13,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Về nhập khẩu: Trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 6, đạt gần 8,91 tỷ USD, giảm 8,8% ( tương ứng giảm 860 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 5.

Trong đó: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 15,9%, tương ứng giảm 253 triệu USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 9,5%, tương ứng giảm 173 triệu USD; Vải các loại giảm 13,8%, tương ứng giảm 82 triệu USD; Điện thoại các loại giảm 12,7% tương ứng giảm 80 triệu USD; ngô giảm 59,1%, tương ứng giảm 55 triệu USD.

Ở chiều ngược lại: Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 92,3%, tương ứng tăng 84 triệu USD; Kim loại thường khác tăng 7%, tương ứng tăng 16 triệu USD; Hạt điều tăng 8,9%, tương ứng tăng 18 triệu USD; Sản phẩm từ dầu mỏ tăng 47,7%, tương ứng tăng 17 triệu USD.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/6, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 91,32 tỷ USD, tăng 24,3% (tương ứng tăng gần 17,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/viet-nam-tiep-tuc-nhap-sieu-323-trieu-usd-191440/