Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế

(VOV) - Nhân dịp Quốc khánh 2/9, nhiều bạn bè quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ kính mến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xúc động trước tình cảm của nhân dân Việt Nam và khâm phục công cuộc phát triển đất nước hiện nay.

Chiến thắng của Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của bạn bè quốc tế. Những phong trào phản đối chiến tranh, đoàn kết với nhân dân Việt Nam rộng khắp trên thế giới. Sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần mãi là bản hùng ca đẹp trong thế kỷ 20. Đến chia vui với nhân dân Việt Nam nhân dịp Quốc khánh 2/9, nhiều bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự ngưỡng mộ kính mến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự xúc động trước tình cảm của nhân dân Việt Nam, cũng như sự khâm phục công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Gần 80 khách nước ngoài là những nhân vật tiêu biểu trong phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam, các cựu Đại sứ tại Việt Nam, lãnh đạo các Hội hữu nghị với Việt Nam qua nhiều thời kỳ, đại diện và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ quốc tế có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước… đã đến Việt Nam nhân dịp này. Có người chưa bao giờ đến Việt Nam, có người đã tới Việt Nam nhiều lần, nhưng chuyến thăm Việt Nam lần này của họ mang nhiều ý nghĩa và là dịp hiểu thêm về đất nước Việt Nam mà họ đã yêu quý và giúp đỡ; đồng thời cũng là dịp để người Việt Nam dành sự tri ân đối với bạn bè. Với bà Mông Nghị, nguyên Ủy viên Hội cựu chiến binh chi viện Việt Nam, nguyên đội viên đội tuyên truyền sư đoàn 62 pháo cao xạ, Đoàn quân sự Trung ương Trung Quốc, những kỷ niệm trong những ngày làm nhiệm vụ tại Việt Nam 43 năm về trước tại mảnh đất Thái Nguyên đã để lại nhiều cảm xúc. Bà nói: “Năm 1967, tôi đã cùng một đoàn pháo cao xạ của Trung Quốc sang Việt Nam và thật đặc biệt, Thái Nguyên cũng là một mục tiêu bảo vệ của chúng tôi. Năm đó, tôi mới 16 tuổi và ở Trung Quốc, qua báo đài, tôi biết Việt Nam đang bị đế quốc Mỹ phá hoại. Tại Trung Quốc, khi đó Chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông nêu rõ: “Việt Nam là nước XHCN đồng chí anh em của chúng ta” và chúng tôi đã tình nguyện sang Việt Nam. Lúc đó, mục tiêu bảo vệ của chúng tôi là các mỏ khoáng sản, các cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên. Chúng tôi có nghe nói Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở đây nhưng không có cơ hội được gặp Người. Hôm nay, vừa nhìn thấy bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi vô cùng xúc động và nhớ đến Người. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng?. Từng tham gia xuống đường phản đối chiến tranh ở Việt Nam từ những năm 60, 70 khi còn đang là sinh viên, Tổng Thư ký Tổ chức Hòa bình và đoàn kết toàn Ấn Độ, ông Pallab Sengupta nhớ lại: “Tỉnh cảm của tôi với nhân dân Việt Nam không bao giờ thay đổi. Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ thời kỳ đó. Chúng tôi có một khẩu hiệu, đó là “tên anh, tên tôi, tên Việt Nam”. 65 năm qua, các bạn đã xây dựng đất nước rất phát triển và thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi chung của nhân dân thế giới. Chúng tôi thực sự khâm phục những thành tựu mà các bạn đã đạt được”. Trở lại thăm thủ đô kháng chiến của Việt Nam, an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, thăm nơi ở làm việc của Hồ Chủ tịch, nhiều người không khỏi xúc động bùi ngùi. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn, lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Cũng chính nơi đây, Người đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế. Tướng Glandunov Evgheni Pavlovic, hiện là Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt cho rằng, cách mà ông muốn thể hiện tình yêu trọn vẹn của mình với Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là kể lại kỷ niệm của mình trong lần gặp Bác Hồ tại ATK Thái Nguyên bằng tiếng Việt Nam. Ông nói: “Tôi đã ở đây cách đây khoảng 40 năm. Lần này trở lại Việt Nam, tôi thấy mọi vật thay đổi ngỡ ngàng, không thể nào hình dung ra những cơ sở trước kia. Tôi nhớ lịch sử phong trào cách mạng tại Việt Nam, Bác Hồ đã có mặt ở đây, họp Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi họp Bộ Chính trị, Đại hội các dân tộc Việt Nam và kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trước kia, tôi đã gặp và làm việc với Bác Hồ khi Bác mời đại sứ Liên Xô đến thăm và tôi cùng đi với tư cách là phiên dịch của Đại sứ. Tôi nhớ mãi ấn tượng của mình về Bác Hồ. Được thăm lại Khu Di tích này, tôi lại nhớ lại những ngày làm việc của mình tại đây. Nhân dịp 65 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam, đây là sự kiện lịch sử vĩ đại, chúng tôi nhìn vào tương lai sự phát triển của Việt Nam với đôi mắt lạc quan. Chúc toàn thể nhân dân Việt Nam tiếp tục phát triển đất nước của mình một cách toàn diện trong tất cả các lĩnh vực”. Trong đoàn còn có những người dân Lào che chở cho bộ đội Việt Nam trong kháng chiến, có các chuyên gia quân sự và các nhà hoạt động hữu nghị của Liên Xô với Việt Nam, các nhà hoạt động vì Việt Nam từ khắp năm châu, đại diện các tổ chức phi chính phủ đã tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tái thiết đất nước trong công cuộc đổi mới. Nhiều bạn bè quốc tế đều có chung nhận định, kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc khánh, nhân dân Việt Nam có quyền tự hào với những thành quả đã đạt được của mình. Ông Déri Miklos, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Hungaria- Việt Nam nhận xét: “Năm 1973, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và sau đó rất nhiều lần tôi quay lại Việt Nam. Mỗi lần quay trở lại tôi đều thấy Việt Nam đổi thay rất mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thiếu tướng Suvong Vongphon, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Lào-Việt bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã tổ chức cho các đoàn đại biểu quốc tế sang thăm và tham dự một chuỗi các chương trình, hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh. Các đại biểu quốc tế khẳng định, họ sẵn sàng tiếp tục là cầu nối để củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị với Việt Nam. Những cái bắt tay thật chặt, những lời ca, tiếng hát của những người bạn quốc tế và Việt Nam sau nhiều năm gặp lại sẽ còn đọng lại mãi trong tim mọi người./. Ánh Huyền

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/viet-nam-trong-con-mat-ban-be-quoc-te/20109/153742.vov