Việt Nam: 'Trục xoay tới châu Á' của Pháp?

Nhiều mong đợi đối với chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Việt Nam.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 5-7/9. Đây là một tín hiệu tốt cho hợp tác trong tương lai giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vàTổng thống Hollande trong lễ đón tại Phủ Chủ tịch sáng 6/9. (Nguồn: Reuters)

Động lực kinh tế

Với chuyến thăm của ông Hollande, quan hệ kinh tế và tài chính sẽ được tăng cường với 20 hợp đồng và thỏa thuận song phương mới nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa các đối tác hai bên. Đáng chú ý, hàng loạt hãng thông tấn, báo chí lớn đã đánh giá cao thỏa thuận giữa hãng máy bay Airbus của Pháp và các hãng hàng không Việt Nam.

Sau chuyến thăm này, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích khi tăng cường trao đổi kinh tế với cường quốc châu Âu Pháp trong bối cảnh Paris đang dành sự quan tâm lớn tới sự tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. Một báo cáo của Thượng viện Pháp vào năm 2014 (số 723) cho thấy sự ưu tiên cao trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam.

Hiện tại, có tới 300 nghìn người Việt đang sinh sống và học tập tại Pháp. Trong lịch sử các mối quan hệ song phương, Pháp là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Việt Nam, với 1.7 tỷ USD viện trợ từ năm 1993, chỉ đứng sau Nhật Bản. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam trị giá 858 triệu USD trong năm 2014 và tăng lên đến 1.57 tỷ USD trong năm 2015. Có 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam, mang đến 26.000 công ăn việc làm.

Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam, chuyến thăm của ông Hollande đến Việt Nam (chuyến thăm thứ ba của một Tổng thống Pháp kể từ đầu những năm 1990) cũng giúp khuyến khích các biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, Pháp sẽ giúp Việt Nam kiểm soát chất lượng không khí bằng cách xây dựng một hệ thống đo lường chất lượng không khí.

Lợi ích quân sự

Tờ The Diplomat đã có bài viết cho rằng, một nội dung nhận được sự chú ý đặc biệt đó là: Tổng thống Hollande và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang có thể sẽ xem xét cách thức để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã ký kết năm 2013.

Trong đó, phần quan trọng nhất của các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào hợp tác quốc phòng - một nội dung thỏa thuận năm 2013. Thời điểm lúc này là không thể nào tốt hơn khi Việt Nam đang có nhiều nhu cầu về các máy bay chiến đấu và một hệ thống tên lửa tiên tiến hơn.

Sau vụ bê bối lớn về rò rỉ dữ liệu liên quan đến hãng xây dựng tàu ngầm lớn của Pháp DCNS vừa qua, người Pháp đang rất cần một cơ hội để truyền tải hình ảnh tích cực về sự tin cậy và nghiêm túc của họ trong hợp tác quốc phòng.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khiến nước này trở thành một khách hàng đầy tiềm năng đối với các nhà sản xuất vũ khí của Pháp. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt đến ngay từ các nhà cung cấp châu Á, chưa kể đến Nga và Mỹ. Ấn Độ vừa cho Việt Nam vay 500 triệu USD trong hợp tác quốc phòng, trong khi Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với Tokyo. Do đó, hiện nay chính là thời điểm phù hợp để thực thi chính sách cạnh tranh với các siêu cường quốc phòng tại châu Á.

Nền tảng xoay trục từ Việt Nam

Pháp sở hữu vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và “lực lượng bảo vệ chủ quyền” của nước này, với 72 tàu chiến và tàu hỗ trợ đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong các vùng biển nhiệt đới. Với số lượng lãnh thổ hải ngoại lớn, tự do hàng hải là một chủ đề gần gũi với Pháp.

Trong thập kỷ qua, Pháp đã đánh mất sức ảnh hưởng đáng kể ở châu Phi và nay Paris cần khôi phục lại vị thế của mình ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á - nơi lợi ích của nước này đang gia tăng theo từng năm.

Trước đó, Pháp đã có sự chuẩn bị cho “trục xoay” hướng tới Đông Nam Á từ năm 2013. Tàu hộ tống chống ngầm Georges Leygues của Pháp thăm thành phố Hồ Chí Minh năm 2013, “sát thủ diệt hạm” Vendemiaire đã có nhiều chuyến thăm đến Đà Nẵng và gần đây nhất là tháng 5 vừa qua, tàu chỉ huy và đổ bộ đa năng Tonenerres của Hải quân Pháp cập cảng tại cảng quốc tế Cam Ranh, điều cho thấy người Pháp đang trở lại Biển Đông.

Trong khi Việt Nam đang có nhu cầu tăng cường quan hệ mạnh mẽ với các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp thì chuyến thăm lần này của ông Hollande sẽ tìm cách đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” trên hơn nữa.

(Theo The Diplomat)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/viet-nam-truc-xoay-toi-chau-a-cua-phap-209314.html