Việt Nam và Mỹ có thể thay đổi tương lai

“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phát biểu như vậy tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhân chuyến thăm chính thức Mỹ vừa qua.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng John Kerry tại Washington ngày 2.10.

Một câu nói đúng với những gì đã diễn ra trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ suốt gần 20 năm bình thường hóa quan hệ. Quá khứ không thể thay đổi nhưng có thể khép lại để hợp tác xây dựng lợi ích cho cả hai bên. Những hoạt động xuất phát từ thiện chí của Việt Nam và Mỹ đã mang lại hiệu quả thực sự.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định điều đó rằng: “Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 và vào thời điểm đó thì không ai có thể tưởng tượng được quan hệ song phương phát triển nhanh như thế nào. Sau gần 20 năm kể từ khi bình thường hóa, hiện nay chúng ta đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện”. Ngoại trưởng Mỹ - ông John Kerry - cũng đánh giá về quan hệ hai nước rằng, không có hai quốc gia nào từng làm việc tích cực hơn để vượt qua những khác biệt so với Mỹ và Việt Nam.

Một bước tích cực khác trong quan hệ hai nước đã mở ra, tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry tại Washington ngày 2.10, Mỹ đã thông báo việc nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Mọi việc đều cần phải có sự bắt đầu và đây là một sự bắt đầu tốt đẹp, như nhận định của một quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn: “Đây là bước đi rất quan trọng đầu tiên cho hợp tác trong tương lai”.

Hy vọng không chỉ nới lỏng một phần mà Mỹ sẽ tiếp tục có chính sách rộng mở hơn trong việc bán vũ khí cho Việt Nam.

Quá khứ là cuộc chiến tranh ác liệt, hiện tại là đối tác toàn diện, các khoảng cách dần được xóa bỏ để có một tương lai tốt đẹp. Bằng dự cảm của một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, với niềm tin vào sự nỗ lực hợp tác của hai bên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định có thể viết lại một chương mới trong lịch sử hai nước hoàn toàn khác biệt với một quá khứ đã khép lại. Phải hiểu rằng, đòi hỏi của thời đại, yêu cầu về hòa bình và thịnh vượng, bắt buộc phải “thay đổi tương lai” và không còn lựa chọn nào khác. Còn sự thay đổi đó đạt tới tầm vóc nào, nhanh hay chậm là phụ thuộc vào hành động của hai phía.

Lịch sử thế giới có nhiều minh chứng về quan điểm “chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/viet-nam-va-my-co-the-thay-doi-tuong-lai-253322.bld