Việt Nam vào nhóm nước trung bình cao, dành 680 nghìn tỷ đồng cải cách tiền lương

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Theo Phó Thủ tướng, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2023 đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo.

Đặc biệt, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Bước sang năm 2024, Phó Thủ tướng đánh giá từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, Chính phủ thông tin nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Cụ thể, đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. 3 nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy…

Tuy vậy, Chính phủ nhìn nhận sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ yêu cầu kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra. Tranh thủ tối đa thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

"Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới", Phó Thủ tướng nêu giải pháp.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-vao-nhom-nuoc-trung-binh-cao-danh-680-nghin-ty-dong-cai-cach-tien-luong-1099875.html