"Viết tiếp câu chuyện của Nora"

(ANTĐ) - Là cuộc thi nhằm khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam quan tâm và chia sẻ vấn đề bình đẳng giới hiện nay, qua đó mang đến thông điệp tích cực, cổ vũ xã hội cùng phấn đấu cho mục tiêu này.

Với sứ mệnh đồng hành cùng giới trẻ Việt Nam trên con đường sự nghiệp của mình, VTV6 - Đài THVN phối hợp cùng Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) tổ chức cuộc thi "Viết tiếp câu chuyện của Nora"qua website www.vtv6.com.vn với sự tài trợ của Đại sứ quán Nauy. Cuộc thi viết này dành cho các công dân Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 26. Với chủ đề trên, bài dự thi cần đảm bảo khái quát ít nhất một trong những khía cạnh sau: Bạn nghĩ gì về cách kết thúc vở kịch của tác giả Ibsen?; Nếu là Nora, bạn sẽ làm gì?; Bạn học được điều gì từ vở kịch "Nhà búp bê"? Tại sao?; Theo cách hiểu của bạn, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Nora của năm 2010 với Nora của tác giả Ibsen?. Bài dự thi chỉ giới hạn tối đa 1500 từ, viết bằng tiếng Việt. Thời hạn nhận bài thi kéo dài tới ngày 25/11/2009. Cuộc thi sẽ có 3 vòng, sơ loại, sơ khảo và chung kết. Ở vòng chung kết Ban giám khảo sẽ chọn từ 50 bài xuất sắc của vòng sơ khảo để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Giải nhất sẽ có phần thưởng trị giá 1000 usd, giải nhì trị giá 500 usd/giải, giải ba trị giá 100 usd/giải. Những khán giả đoạt giải sẽ được mời tham dự lễ trao giải, tham gia các cuộc phỏng vấn của VTV6 và thuyết trình tại một số trường Đại học và trung học phổ thông tại Hà Nội. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 tại Hà Nội, chương trình sẽ được phát sóng trên VTV6. Ban giám khảo cuộc thi gồm có TS Nguyễn Thị Minh Thái, đạo diễn NSND Lê Hùng, NSND Lê Khanh, PGS.TS Lê Ngọc Văn (Viện Gia đình và giới), Phạm Nguyên Cường - Vụ phó Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH), Huỳnh Thị Mai Liên (Trưởng phòng Chương trình Ban Thanh thiếu niên). Nói về cuộc thi này, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: " Cần hiểu rằng chúng ta đến với cuộc thi bằng vở kịch "Nhà búp bê" chứ không phải bằng tác phẩm văn học. Vở kịch này đã được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và biểu diễn dài ngày, đặc biệt là biểu diễn miễn phí cho khán giả là học sinh - sinh viên. Bởi vậy, tôi tin rằng "câu chuyện của Nora" không xa lạ gì đối với giới trẻ Việt Nam, cũng như câu chuyện về bình đẳng giới cũng không nằm ngoài sự quan tâm của họ..." Giới trẻ Việt Nam hôm nay, với tri thức và cái nhìn mới về thời đại, họ nghĩ gì về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay? Trong khi đó, ở các nước khác nhau, mức độ bình đẳng giới đạt được cùng khác nhau. Đứng trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng phải mất rất nhiều thời gian cùng sự tham gia của tất cả các lực lượng xã hội thì mới có thể đạt được sự bình đẳng giới mới thật sự. Trong bối cảnh ấy, người ra nghĩ nhiều về vở kịch "Nhà búp bê" của nhà soạn kịch vĩ đại Nauy Henrik Ibsen. Nhân vật chính của vở kịch là Nora - một người phụ nữ của gia đình, hy sinh tất thảy vì chồng con. Nhưng đến phút cuối cùng, khi một sự cố xảy ra, chị mới nhận ra rằng hóa ra người chồng chị hết mực chăm lo chỉ coi chị là một con búp bê trang trí trong nhà, có thể sẵn sàng hy sinh chị vì danh vọng cá nhân. Câu chuyện của Nora, thân phận người phụ nữ qua hình ảnh Nora của Ibsen vào thế kỷ 19 cũng chính là hiện thân của bao thế hệ phụ nữ trên thế giới. Và đến chừng nào bình đẳng giới vẫn chưa thật sự đạt được thì chừng đó người ta vẫn còn nhắc đến Nora và bi kịch của chị.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59818&channelid=8