Viết tiếp loạt bài “Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM và nỗi lo trì trệ dự án nghìn tỷ”: Chấn động trước dấu hiệu “cố ý làm trái” trong hợp đồng Tổng thầu EPC

Những khuất tất, dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đấu thầu, quản lý nhà nước về dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước... tại công trình Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã được báo chí hé lộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người am tường về dự án này thì chừng đó mới chỉ như những “vết gãi ngứa ngoài da”. Nếu phanh phui cho hết mọi ngóc ngách thì nó thực sự là một thứ ung nhọt nguy hiểm, thối rữa đạo đức của một bộ phận công chức Nhà nước, làm “hoại tử” lòng tin của người dân!

Hợp đồng Tổng thầu và 01 phụ lục trị giá trên 1.992 tỷ đồng

Theo hợp đồng tổng thầu EPC số 33/2014/HĐ-EPC-BVNĐTP.HCM ký ngày 5/12/2014 giữa Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM và Liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV (CC1) và quyết định chỉ định thầu trước đó của UBND TP.HCM thì ngôn ngữ văn bản đã thể hiện rõ ràng liên danh CC1 chỉ thực hiện gói thầu: Thiết kế, thi công lắp đặt và cung cấp, lắp đặt thiết bị xây lắp công trình. Đó là những phần việc thuộc nhóm hoạt động xây dựng cơ bản về công trình, lắp đặt các trang thiết bị về xây lắp tòa nhà.

Nhưng theo phát hiện của nhóm PV Điều tra Báo Người Tiêu Dùng, có rất nhiều hạng mục, trang thiết bị không thuộc gói thầu xây lắp vẫn được CC1 đưa vào biểu chi tiết giá hợp đồng (Phụ lục 01) đã được ký kết. Nhiều hạng mục trang thiết bị với giá trị lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bỗng nhiên được “nhồi nhét” vào hợp đồng tổng thầu xây lắp, khiến mọi người rùng mình trước viễn cảnh hàng trăm tỷ đồng Nhà nước đang được hợp thức hóa “chảy” thẳng vào túi nhà thầu CC1, bất chấp các quy định pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, lướt qua Hợp đồng Tổng thầu EPC, mọi người dễ dàng nhận thấy: Hệ thống bốc số tự động (QMS) có mức giá đề xuất gần 4,5 tỷ đồng; Hệ thống báo gọi y tá: 15,48 tỷ đồng; Hệ thống quản lý bệnh viện (phần mềm): 19,75 tỷ đồng; Đặc biệt toàn bộ gói thiết bị văn phòng, bao gồm giường, tủ, bàn ghế cho đến máy tính, máy photocopy, máy fax, điện thoại... với mức kinh phí đề xuất lên đến 38,8 tỷ đồng... cũng được ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM “nhắm mắt” ký bừa cho CC1.

Rõ ràng, mọi người đều dễ dàng nhận ra các gói trang thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, phần mềm xử lý và trang thiết bị văn phòng (bàn, ghế, rèm) không thể thuộc gói thầu về xây lắp, xây dựng. Chưa kể, đó là những gói thầu có mức kinh phí lớn (trên 500 triệu đồng), theo quy định pháp luật thì phải được đưa ra đấu thầu rộng rãi, tránh thất thoát tiền của Nhà nước.

Trang cuối của Phụ lục Hợp đồng ghi rõ giá trị lên đến trên 1992 tỷ đồng

Chủ Đầu tư Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM và nhà thầu CC1 có cố ý làm trái ???

Vậy lí do nào để CC1 - một doanh nghiệp với chức năng chính là xây lắp lại ngang nhiên ký hợp đồng bán máy vi tính, bán bàn ghế, rèm cửa... cùng Chủ Đầu tư Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM.

Chỉ có lý giải duy nhất, đó chính là việc nhà thầu xây lắp CC1 và ông Huỳnh Văn Biết đang cố ý làm trái các quy định pháp luật, cố tình đánh tráo khái niệm về trang thiết bị, qua mặt các cấp chính quyền và lãnh đạo TP.HCM để ký “lụi” hợp đồng nhằm “ôm sô”, rút ruột dự án và rút tiền từ ngân sách Nhà nước ?

Trong một lần tiếp xúc, mặc dù không trả lời trực tiếp những câu hỏi của Báo Người Tiêu Dùng, nhưng ông Lê Hữu Việt Đức, Tổng Giám đốc CC1 cho rằng đó là những hạng mục mà CC1 có thể thực hiện được! Đây có thể xem là một sự ngụy biện không thể chấp nhận.

Theo tìm hiểu của PV Báo Người Tiêu Dùng, hợp đồng trị giá trên 1.992 tỷ đồng này (Phụ lục 01) đã thể hiện quá rõ các hạng mục “nhồi nhét” nhằm gia tăng doanh thu cho nhà thầu CC1 một cách trái phép. Ví dụ: Chỉ riêng hạng mục máy tính bàn, nhà thầu CC1 đã bán cho Nhà nước 38 cái máy vi tính với giá 19.465.000 đồng/cái (trong khi giá thị trường bình quân dưới 10 triệu đồng/cái); 38 chiếc máy in bán giá 9.083.000 đồng/cái; 38 cái điện thoại cố định bán giá 908.000 đồng/cái, 7 bộ bàn ghế uống nước với giá 9.234.000 đồng/bộ...Nhìn chung, với mức giá “trên trời” này, rõ ràng là Nhà nước đang có dấu hiệu thất thoát rất nhiều tiền.

Điều nguy hiểm là Giám đốc Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM Huỳnh Văn Biết còn “làm liều” đến mức ký hợp đồng mua hàng hóa mà không hề quy định cụ thể chủng loại hàng hóa, điều kiện về bảo hành, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các số tiếp theo.

NHÓM PV ĐIỀU TRA

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/viet-tiep-loat-bai-benh-vien-nhi-dong-tphcm-va-noi-lo-tri-tre-du-an-nghin-ty-chan-dong-truoc-dau-hieu-co-y-lam-trai-trong-hop-dong-tong-thau-epc-d43758.html