Viết tiếp loạt bài 'hàng trăm hécta rừng bị chặt, vì coi là 'nghèo kiệt' ở Bình Phước: Nghìn kiểu trục lợi trên đất rừng

Gần 130ha rừng bị chặt hạ tại dự án chăn nuôi, trước đây của Cty CP đầu tư phát triển Sài Gòn - Bình Phước. Nay chuyển giao sang Cty TNHH MTV caosu Sông Bé.Ảnh: P.V

Với chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” sang trồng cây caosu; trước năm 2011, hàng chục dự án nhờ chủ trương trên đã được chính quyền tỉnh Bình Phước (BP) giao hàng ngàn hécta đất rừng. Tuy nhiên, một thực tế cay đắng đã diễn ra, các chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết. Trái lại, người ta đã mang đất dự án ra “xẻ thịt”, sang nhượng cho các cá nhân - thậm chí phá rừng, nhằm trục lợi v.v…

Trục lợi...

Đầu tiên phải kể là dự án “chuyển đổi rừng nghèo” tại Cty Tân Thiên Mẫn và Cty Hưng Phước Trường. Cty Tân Thiên Mẫn do ông Đỗ Nguyễn Minh Trí (con ông Đỗ Quốc Quýt - Tổng GĐ Cty TNHH MTV caosu Sông Bé thời điểm 2010) làm GĐ. Cty Hưng Phước Trường do bà Lê Thị Nghĩa (vợ ông Đặng Văn Hơn - Phó GĐ Cty TNHH MTV caosu Sông Bé) làm GĐ. Ông Quýt và ông Hơn, với tư cách là cán bộ lãnh đạo DN nhà nước đã sử dụng ảnh hưởng về chức vụ quyền hạn của mình, dùng quỹ đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho Cty caosu Sông Bé quản lý, để tham mưu cho UBND tỉnh BP, giao lại đất cho 2 Cty “sân sau” của gia đình (Cty Tân Thiên Mẫn được giao 113ha và Cty Hưng Phước Trường được giao 88,5ha).

Tương tự, bà Trần Thị Thêu (viên chức nhà nước) là GĐ Cty Nam Hằng cũng được giao 196,5ha đất rừng để trồng caosu. Tuy nhiên, mới đầu tư 2,3 tỉ đồng trồng 20ha caosu, bà Thêu đã vội vã chuyển nhượng vốn góp tại Cty Nam Hằng cho ông Nguyễn Thanh Trúc và ông Bùi Văn Làm. Giá trị chuyển nhượng là 9,3 tỉ đồng (7 tỉ đồng là tiền bán đất kèm hồ sơ Cty, 2,3 tỉ đồng là tiền đầu tư dự án cải tạo rừng nghèo kiệt sang trồng caosu). Danh nghĩa là vậy, nhưng thực tế, ông Nguyễn Thế Hoan - Phó GĐ Cty Nam Hằng - mới là người nhận số tiền chuyển nhượng Cty nói trên, với 10,3 tỉ đồng (giá trị đất 8 tỉ đồng, giá trị đầu tư dự án 2,3 tỉ đồng)… Không chỉ vừa là Phó GĐ Cty Nam Hằng, ông Hoan còn là GĐ Cty Phương Minh, được giao 60ha khác để làm dự án trồng caosu…

Ngoài các dự án liên quan đến các viên chức nhà nước, DN “sân sau”, người nhà cán bộ lãnh đạo DN nhà nước…; thời gian qua, tỉnh BP còn giao hàng trăm hécta đất rừng cho hàng loạt DN tư nhân khác, cũng trên cơ sở “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”… Đơn cử Cty Việt Lào được giao 84,4ha đất làm dự án chăn nuôi, trồng caosu… Tuy nhiên, ngay sau khi được giao đất, Cty Việt Lào đã ký hợp đồng liên doanh với Cty Sơn Nam trên diện tích 40ha. Số diện tích đất còn lại (44,4ha), Cty Việt Lào “xẻ thịt” làm nhiều mảnh, chuyển nhượng đất cho nhiều cá nhân khác để trục lợi…

Nhà nước tốn kém tiền tỉ để “thu hồi” dự án sai phạm

Tháng 8.2011, UBND tỉnh BP đã buộc phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra quá trình giao đất và việc quản lý, sử dụng đất của các dự án được giao trên địa bàn tỉnh BP. Và, hậu quả sai phạm từ 13 dự án đã được phanh phui. Tuy nhiên, hệ lụy từ các sai phạm giao đất, quản lý và sử dụng đất tại các dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” trên, đến nay - sau 5 năm sai phạm được phanh phui - vẫn chưa khắc phục, xử lý xong.

Tại Báo cáo số 25/BC-SNN-LN ngày 2.3.2016 của Sở NNPTNT tỉnh BP, cho biết: Trong tổng số 20 dự án liên quan đến “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” để trồng caosu cần phải xử lý, khắc phục sai phạm, thì có tới 14 dự án buộc phải “thu hồi”, theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Song, việc “thu hồi” ở đây kéo theo ngân sách địa phương phải chi tiền tỉ hoàn trả lại cho một số chủ đầu tư dự án sai phạm. Thí dụ: UBND tỉnh BP ra quyết định thu hồi 2 dự án của Cty Tân Thiên Mẫn và Cty Hưng Phước Trường. Ngược lại, tỉnh phải bồi hoàn chi phí trồng caosu dở dang cho 2 Cty này trên 16,2 tỉ đồng (Cty Tân Thiên Mẫn 10,6 tỉ đồng, Cty Hưng Phước Trường 5,6 tỉ đồng).

Tương tự, tỉnh BP thu hồi dự án của Cty Phương Minh, phải bồi thường 1,2 tỉ đồng; thu hồi dự án Cty Rạng Đông, phải bồi thường 7,4 tỉ đồng; thu hồi dự án của Cty CP đầu tư phát triển Sài Gòn - BP phải hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu 6,3 tỉ đồng v.v… Ngoài những DN trên đã thống kê được số tiền bồi thường, còn một số dự án khác, vẫn còn trong quá trình tranh cãi, hoặc khởi kiện ra tòa… Tại một số dự án, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi dự án, nhưng vẫn chưa thống nhất được mức bồi thường từ ngân sách, như dự án tại các Cty: Sasco, B58, Nam Hằng, Thiện Đức v.v… Tệ hơn, tại dự án Cty Hoàn Hảo, không chỉ chuyển đổi 369,5ha rừng nghèo kiệt sang trồng caosu, Cty này còn xóa sổ 7,1/10.5ha rừng khoanh nuôi - bảo vệ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án này, song quá trình tố tụng vẫn chưa đi tới đâu v.v…

Tại Báo cáo số 173/BC-ĐTTr ngày 29.8.2011, Đoàn Thanh tra 1295/QĐ-UBND của tỉnh BP đã kết luận: “Trong việc giao đất cho một số DN theo chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng caosu trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã thực hiện chưa tốt chức năng quản lý…”, dẫn tới các hậu quả vừa nêu
ở trên.

Ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội điều VN - cho rằng: “Không chỉ yếu kém trong quản lý các dự án, mà chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng caosu” tràn lan ở BP đã sai lầm ngay từ đầu. Không thẩm định năng lực của nhà đầu tư, giao đất rừng với số lượng quá lớn, dẫn tới hiện tượng nhà đầu tư găm đất, xí phần, chủ ý chuyển nhượng dự án nhằm trục lợi, hơn là trồng caosu; một số lợi dụng “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” để phá rừng, khai thác lâm sản v.v… Lẽ ra, phải xử lý các DN sai phạm tại các dự án, thì nay, ngân sách nhà nước phải… bồi thường, “đổ vỏ” cho sai phạm của DN. Để rồi nhận lại những vườn caosu nham nhở, sụt giá thê thảm, hay những khu đất rừng đã bị xóa sạch rừng. Thật là nghịch lý chỉ thấy ở BP”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/viet-tiep-loat-bai-hang-tram-hecta-rung-bi-chat-vi-coi-la-ngheo-kiet-o-binh-phuoc-nghin-kieu-truc-loi-tren-dat-rung-592641.bld