Viết tiếp vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân: Vô cảm tiếp tay cho tội ác

(CATP) Một số nhân viên thẩm mỹ viện đối mặt với tội “che giấu tội phạm”

Vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông sau khi phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực khiến bệnh nhân chết là một cú sốc lớn đối với dư luận cả nước, đặc biệt là các chị em đang có nhu cầu làm đẹp. Hành vi dã man của Tường lẽ ra đã có thể ngăn chặn nếu như các nhân viên trong Thẩm mỹ viện dũng cảm yêu cầu vị bác sĩ - Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường phải đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Nhưng không, họ đã có những hành động che giấu tội lỗi rất đáng lên án. Thái độ vô cảm của họ đã tiếp tay cho Nguyễn Mạnh Tường thực hiện đến cùng hành vi mất nhân tính của mình.

>> “Hung thần” áo trắng

>> Vụ TMV gây chết người rồi vứt xác phi tang: Cứ tuyên bố “chui” là xong?

Những ngày đầu trong trại giam

Sáng 23-10-2013, Nguyễn Mạnh Tường đã được đưa vào Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội. Những ngày đầu trong trại, ở một môi trường mà Tường chưa từng đến bao giờ, nhưng anh ta cũng tỏ ra không mấy bị sốc. Vẫn gương mặt bình thản, cặp môi nhếch thường trực vẻ kiêu ngạo thái quá, ánh mắt lạnh lùng, vẻ ngoài của Tường khiến các can phạm cùng buồng không mấy thiện cảm. Tường ít nói, bữa nào cũng ăn nhưng không hết suất. Đêm, anh ta ngủ rất ít và gương mặt hốc hác đi trông thấy.

Nguyễn Mạnh Tường khá bình thản khi bị dẫn giải về cơ quan công an

“Trí thức khi phạm tội thường bài bản hơn lưu manh” - đó là nhận định của bà Nguyễn Lâm Thúy - chuyên viên tư vấn tâm lý tình cảm thuộc Trung tâm tư vấn VALA (Hà Nội). Phân tích tâm lý của bác sĩ Tường, bà Thúy cho rằng, đó là một hành động che giấu tội lỗi, trốn tránh trách nhiệm của một người hèn nhát, không dám đối diện với những việc mình làm. Hoặc nếu Tường không hèn nhát thì là do anh ta quá tham lam khi đặt ra bài toán: Nếu thẩm mỹ viện đóng cửa thì sao? Số tiền đã đầu tư như thế nào? Và ngay lập tức anh ta có câu trả lời: Tất cả mọi cánh cửa tương lai sẽ đóng sập lại đối với một bác sĩ công tác tại một trong những bệnh viện lớn nhất nước: Bạch Mai. Chắc chắn, không còn bệnh nhân nào dám đặt cược sinh mạng mình vào tay một vị bác sĩ đã làm chết người vì sự liều lĩnh và chuyên môn kém cỏi của mình. “Dư luận có thể tha thứ cho chuyên môn của Tường, bởi việc bệnh nhân gặp rủi ro khi phẫu thuật cũng không hiếm gặp, nhưng dư luận không bao giờ tha thứ cho hành động ném xác bệnh nhân xuống sông của anh ta, bởi nó vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm người” - bà Thúy nói.

Rất nhiều kẻ vô cảm

Trực tiếp chứng kiến sự việc, nhưng ba nhân viên Lê Thị Ngọc Vân (SN 1992, ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì), Bùi Thị Hoa (SN 1992, ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) và y tá Nguyễn Ngọc Thư (SN 1984, trú tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa), không hề yêu cầu Tường đưa bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Ngược lại, họ răm rắp làm theo mệnh lệnh của sếp: dọn dẹp hiện trường, xóa sạch mọi dấu vết của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền và chuẩn bị sẵn sàng một bộ mặt thản nhiên nếu cơ quan điều tra có đến tìm hiểu. Sau khi vụ việc xảy ra, bác sĩ Tường đã chỉ đạo nhân viên mời hết khách ra khỏi trung tâm thẩm mỹ, cho một số nhân viên về, chỉ giữ lại vài người để hủy hết chứng từ, hóa đơn, cũng như thông tin trong máy tính. Máy ảnh, camera ghi hình tại trung tâm cũng bị hủy.

Đêm hôm trước khi bị bắt (đêm 21-10-2013), Tường vẫn trực cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai và không có biểu hiện gì sợ hãi, trừ nét mặt đôi lúc có bộc lộ mệt mỏi. Ngày 22-10-2013, khi cơ quan điều tra tới làm việc, Tường vẫn giữ nét mặt bình thản và phủ nhận thông tin cho rằng chị Huyền đã tới Thẩm mỹ viện Cát Tường để nâng ngực mà chỉ thừa nhận chị Huyền có tới nhờ tư vấn về việc này nhưng sau đó không thấy quay lại. Tường còn đưa ra giấy tờ sổ sách chứng minh không có ca phẫu thuật hay thông tin gì liên quan đến nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Nhưng Tường không lường đến tờ hóa đơn thanh toán 50 triệu mà chồng chị Huyền tìm thấy trong túi quần của vợ.

Cũng ngay trong sáng 22-10-2013, mười nhân viên thuộc Thẩm mỹ viện Cát Tường đã được triệu tập để lấy lời khai. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, ít nhất 2 - 3 trong 10 người này đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “che giấu tội phạm”. Lệnh khởi tố vẫn đang chờ Viện Kiểm sát phê duyệt. Riêng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh đã bị khởi tố cùng tội “giết người” giống như Nguyễn Mạnh Tường mà ở bài báo trước chúng tôi đã đề cập. Trong vụ án này, Khánh cũng như các nhân viên trong thẩm mỹ viện đều vô cảm, tham lam, chỉ vì lời hứa được tăng lương gấp đôi mà hắn đã tiếp tay cho sếp thực hiện hành động phi đạo đức.

Vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân

Sau khi Nguyễn Mạnh Tường bị bắt, công an đã tổ chức lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Những ngày này, người nhà chị Huyền cùng bạn bè, anh em, đồng nghiệp... đã chia nhau túc trực dọc hai bên bờ sông Hồng từ chân cầu Thanh Trì (Hà Nội) đến địa phận tỉnh Hà Nam với hy vọng sẽ tìm thấy chị. Theo nhận định của nhiều người, xác chị Huyền chưa thể trôi xa, vì trong trường hợp chị Huyền chết trước khi bị ném xuống sông, xác sẽ lâu nổi hơn (khoảng 1 tuần) so với các trường hợp chết đuối.

Cùng với một tổ công tác gồm 15 CBCS thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội tham gia tìm kiếm thi thể chị Huyền là Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an Hà Nội. Từ khi nhận được đề nghị phối hợp tìm kiếm nạn nhân, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức mỗi ngày hai xuồng thay nhau quần thảo trên sông Hồng với chiều dài gần trăm kilômét nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Thượng tá Cương cũng cho biết, ông rất chia sẻ với gia đình nạn nhân và cũng vô cùng phẫn uất trước hành động của vị bác sĩ mất hết lương tri, vì vậy bản thân ông cũng như CBCS trong đơn vị sẽ không quản ngày đêm để tìm kiếm xác nạn nhân, góp phần làm dịu bớt nỗi đau đối với những người thân của chị Huyền.

Nhiều người có kinh nghiệm sông nước cho rằng, rất có thể xác chị Huyền đã dạt vào các hàm ếch do việc khai thác cát tạo nên, hoặc do mùa này nước đang lạnh nên cũng phải kiên nhẫn chờ thêm thời gian xác mới nổi lên được. Nếu việc tìm kiếm dọc hai bên bờ sông không hiệu quả, cơ quan công an sẽ tính đến phương án phối hợp với gia đình nạn nhân thuê thợ lặn hoặc thuê thợ tung lưỡi câu dò tìm ở ngay xung quanh khu vực Nguyễn Mạnh Tường đã ném xác nạn nhân. Việc thông báo cho người dân sinh sống hai bên sông Hồng cũng được triển khai đồng loạt, rất nhiều tờ rơi đã được phát đến tận tay người dân hoặc rải dọc hai bên sông.

Không thể nói hết được sự đau thương, tang tóc trong ngôi nhà thuộc ngõ 36 Hàng Thiếc, Hà Nội. Những người thân của chị Huyền, ngoài việc mong muốn tìm thấy thi thể chị để đưa về mai táng, họ còn mong muốn cơ quan pháp luật nhanh chóng đưa vị bác sĩ dã man này ra trước vành móng ngựa.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=506039&mod=detnews&p=