VietJet Air có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 15-8, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) thông báo: Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin hãng hàng không VietJet Air hủy chuyến bay vô thời hạn mà không có phương án vận chuyển khác khiến gần 170 hành khách ngồi chờ ở sân bay suốt nhiều giờ đồng hồ buổi tối.

Sau đó VietJet Air ra thông báo sẽ bồi hoàn 200 nghìn đồng cho mỗi hành khách và trả lại số tiền đã mua vé; đồng thời yêu cầu hành khách phải ký vào một cam kết không yêu cầu thêm bất cứ khoản trợ giúp nào và không được khiếu kiện hãng.

Trước tình hình nói trên, Cục QLCT cho rằng, hành vi của Hãng hàng không VietJet Air có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật.

Theo đó, khi người tiêu dùng mua vé máy bay của VietJet Air, họ đã tham gia giao kết hợp đồng vận chuyển với hãng hàng không và các bên phải thực hiện đúng hợp đồng giao kết cũng như điều kiện giao dịch chung mà hãng hàng không công bố áp dụng. Khi không thực hiện đúng hợp đồng vận chuyển với người tiêu dùng, VietJet Air phải có phương án vận chuyển thay thế hoặc phải bồi hoàn cho hành khách. Chưa nói về pháp lý, điều đáng buồn trong văn hóa kinh doanh của Hãng hàng không VietJet Air là không tận tình hướng dẫn hành khách, đưa ra các phương án giải quyết thỏa đáng khiến hành khách phải ngồi chờ trong nhiều giờ.

Về mặt pháp lý, hành vi yêu cầu hành khách phải ký cam kết không yêu cầu bất cứ khoản trợ giúp nào đồng thời không được khiếu kiện hãng của VietJet Air đã có dấu hiệu vi phạm Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực. Tại điểm b, khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ ra hành vi hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng. Như vậy, cam kết nói trên giữa hãng hàng không và người tiêu dùng không có hiệu lực.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20999202-.html