Vietjet sắp lên sàn, Vietnam Airlines bán và thuê lại 4 máy bay

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet sẽ niêm yết trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) từ ngày 28/2. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chuẩn bị báo cáo cổ đông về chủ trương thực hiện phương án bán và thuê lại đối với 4 máy bay.

Theo thông tin từ Vietjet, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc đăng ký và được chấp thuận niêm yết tại HOSE từ ngày 6/2 và dự kiến sẽ niêm yết 300 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá là 3.000 tỷ đồng. Theo thông tin trong bản cáo bạch của Vietjet, mức giá tham chiếu được đưa ra trong ngày lên sàn là 90.000 đồng/cổ phần, tương ứng với mức vốn hóa 27.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).

Trước đó, Vietjet đã hoàn tất đợt chào bán đấu giá 44,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với cổ phần được chào bán là cổ phiếu do cổ đông hiện hữu đang nắm giữ. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết cổ phiếu của hãng được đón nhận ở những thị trường lớn nhất thế giới như Hongkong, London, Singapore và Mỹ với sự tham gia của các định chế tài chính thế giới.

Hiện Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đang chuẩn bị báo cáo đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 về chủ trương thực hiện phương án bán và thuê lại đối với 4 máy bay, bao gồm 1 máy bay Boeing B787-9 và 3 máy bay Airbus A350 theo hợp đồng mua có lịch nhận năm 2017.

Đây là phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 16/01/2013 về đề án tái cơ cấu Tổng Công ty giai đoạn 2012-2015. Vietnam Airlines trình Đại hội cổ đông và đã được thông qua trong năm 2016.

Vietnam Airlines xây dựng phương án vốn cho các máy bay có lịch nhận năm 2017 theo hình thức bán và thuê lại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh được TTXVN dẫn lời cho biết, việc sử dụng phương án này sẽ giúp Vietnam Airlines cơ cấu lại đội tàu bay, giảm số lượng máy bay sở hữu, giảm dần hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu và tăng khả năng thanh khoản cho Tổng Công ty.

“Với kế hoạch này, Tổng Công ty vẫn bảo đảm kế hoạch phát triển đội bay và có được máy bay để khai thác theo đúng cấu hình lựa chọn ban đầu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay bảo lãnh Chính phủ, quá đó không làm tăng nợ công quốc gia”, ông Phạm Ngọc Minh nêu rõ.

Dự kiến, phương án bán và thuê lại 4 máy bay này sẽ giúp Vietnam Airlines giảm nhu cầu đầu tư và vay nợ mua máy bay khoảng 544 triệu USD so với kế hoạch ban đầu, qua đó, giảm hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31/12/2017 và tiến tới sẽ giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018.

Hoạt động bán và thuê lại (Sale and leaseback - SLB) máy bay là một giao dịch phổ biến trên thế giới mà bên sở hữu thực hiện bán máy bay rồi thuê khai thác lại ngay chính máy bay đó từ bên mua với thời hạn thuê cụ thể.

T. Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/vietjet-sap-len-san-vietnam-airlines-ban-va-thue-lai-4-may-bay/298407.vgp