Vinalines bán hàng loạt tàu cũ để giải quyết nợ xấu

Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cho rằng, việc thanh lý tàu thuộc Hội đồng thành viên Vinalines quyết định, nhưng phải rà soát, tính toán kỹ lưỡng các phương án nhằm chọn ra phương án tối ưu để bán cắt lỗ, sau đó báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính giám sát quá trình thực hiện.

Thiếu chiến lược đầu tư đội tàu

Theo ông Vũ Anh Minh, nguyên nhân của việc thanh lý đội tàu này, do sau một thời gian khai thác đã xuống cấp. Do thị trường vận tải biển xuống quá thấp (ở thời kỳ đỉnh cao, chỉ số tàu hàng khô lên tới 12.000 điểm), đồng thời bởi ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mà ngành Hàng hải phải gánh chịu những tổn thất nặng nề khi giá cước vận tải biển nhanh chóng tụt dốc thảm hại và chỉ số chạm đáy còn 300-400 điểm.

Cùng đó, đội tàu này được đầu tư trong giai đoạn cao điểm, nên khi đó, giá tàu và giá cước cao nên vẫn có lãi. Nhưng khi thị trường đi xuống, giá trị con tàu thấp đi, giá cước giảm sâu, dẫn đến các chi phí tài chính, lãi suất tăng, nên tàu kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh yếu tố khách quan là chính trong việc thua lỗ, thì vẫn có yếu tố chủ quan bởi việc quyết định đầu tư.

Được biết, tại thời điểm “hoàng kim” của ngành Vận tải Biển, giá cước thuê định hạn tàu lên tới 60.000 USD/ngày và sau khi trừ chi phí tàu, có thể lãi đến 30.000-40.000 USD/ngày, nên Vinalines đầu tư rất mạnh. Khi thị trường suy thoái, chỉ ngày hôm sau tụt xuống còn 6.000-7.000 USD/ngày, trong khi chi phí vẫn như cũ, nên đã dẫn đến thua lỗ. Trong những năm trở lại đây, đặc biệt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh vận tải biển càng ngày càng khó khăn do giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm mạnh trên cả 3 thị trường (tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu) và chỉ số đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô liên tục thiết lập các đáy mới.

Điều này cho thấy, trong quá trình đầu tư, cơ cấu đội tàu đã bị cuốn chạy theo thị trường nhiều, trong khi hoạch định chiến lược và phân tích kỹ lưỡng lại thiếu về nghiên cứu chiến lược.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa Vinalines, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa, xác định giá trị DN, xây dựng phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng quyết định. Nhưng đến nay, phương án cổ phần hóa của Vinalines vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt và đang chờ Thường trực Chính phủ họp để quyết định.

Do vậy, trong đề án tái cơ cấu của Vinalines có cả việc tái cơ cấu đội tàu với mục đích rà soát lại toàn bộ đội tàu đang khai thác xem tàu nào già, khai thác không hiệu quả sẽ thanh lý - với mục đích làm trẻ hóa đội tàu, đồng thời dừng và giãn tiến độ triển khai đối với một số dự án đóng mới được xác định là không khả thi khi đầu tư tiếp.

Bán tàu để xử lý nợ xấu

6 tàu hàng khô của Vinalines lên danh sách bán gồm: Vinalines Global - năm đóng 1994, trọng tải 73.350 DWT (năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn); tàu Vinalines Trader - năm đóng 1997, trọng tải 69.614 DWT; tàu Vinalines Fortuna - năm đóng 1991, trọng tải 26.369 DWT; tàu Vinalines Star - năm đóng 1993, trọng tải 26.456 DWT; tàu Vinalines Ocean - năm đóng 1993, trọng tải 26.456 DWT và tàu Vinalines Ruby tàu container - năm đóng 2012, trọng tải 25.794 DWT.

Việc lập kế hoạch thanh lý các tàu được Vinalines tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tình trạng kỹ thuật của các tàu trong việc đảm bảo khả năng khai thác an toàn, hiệu quả hoạt động của các tàu thời gian qua, cũng như dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh của các tàu trong thời gian tới theo những dự báo đối với thị trường vận tải biển.

Nếu các tàu này vẫn tiếp tục đưa vào khai thác, sẽ tạo ra thua lỗ lớn và theo dự báo trên cơ sở thị trường hiện nay, nếu duy trì thêm 3 năm nữa thì sẽ lỗ rất lớn, bởi các tàu hàng khô nói trên đều trên 20 tuổi - độ tuổi được xác định là “già” để khai thác. Khi nguồn hàng khan hiếm, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thì những tàu “già” thường không có người thuê, phải neo chờ hàng, dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá, bị tính thêm phí tàu già. Do đó, bắt buộc tính toán là nên tiếp tục khai thác hay là cắt lỗ? Nếu bán tại thời điểm này sẽ đưa ra một khoản lỗ chênh lệch giữa mua và bán tàu, đồng thời dòng tiền đó trả cho ngân hàng để giảm áp lực nợ. Phần nợ còn lại sẽ phải đàm phán với các tổ chức tín dụng chia sẻ rủi ro, thiệt hại, thì sẽ lợi hơn là để tàu tiếp tục khai thác.

Về mức giá dự kiến bán, đại diện Vinalines cho rằng, đã tham chiếu giá bán trên thế giới, đồng thời khẳng định phải thuê tổ chức định giá, nhằm xác định giá trị tàu khi triển khai thực hiện phương án bán tàu. Giá bán tàu phải báo cáo công khai và đây không phải là con số xin chốt, vì còn phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường. Cùng đó, số tàu này là tải sản thế chấp vay ngân hàng. Do đó, khi bán, phải có sự đồng thuận, thuyết phục được phía ngân hàng bán tàu là giải pháp khả thi nhất. Phương án bán tàu là cơ cấu nợ, cắt lỗ và xử lý nợ xấu cho ngân hàng (giảm chi phí lãi vay, thu hồi vốn vay). Hiện, mỗi tàu có một phương án bán riêng, nên vẫn đang đàm phán với ngân hàng. Bộ GTVT cũng yêu cầu quá trình triển khai việc thanh lý, nhượng bán tài sản phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, vốn Nhà nước đầu tư vào DN.

Đặng Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vinalines-ban-hang-loat-tau-cu-de-giai-quyet-no-xau-38748.html