Vinalines đã cân bằng tài chính: Sẵn sàng thực hiện mục tiêu IPO

Cuối năm 2012, Vinalines bị âm 11.500 tỷ đồng nợ gốc và 3.000 tỷ đồng nợ lãi (số lãi phải trả mỗi ngày lên tới 4,5 tỷ đồng). Sau 3 năm tái cơ cấu cùng các quyết sách từ Chính phủ, Bộ GTVT đã giúp “con tàu” Vinalines thoát khỏi phá sản, từng bước cân bằng tái chính, tạo dòng tiền ổn định để đầu tư. Đó cũng là điểm tựa để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẵn sàng đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) vào tháng 12/2017.

Ảnh minh họa

Chia sẻ về những khó khăn của DN, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết: Đúng là có những thời điểm Vinalines chìm trong khủng hoảng khi không có nguồn thu (đội tàu biển lỗ do giá cước thế giới giảm sâu), trong khi đó, các cảng biển (có nguồn thu), nhưng lại không nộp về công ty mẹ, vì thế, Vinalines phải gồng mình gánh số nợ lớn, “thậm chí, mỗi ngày phải trả tới 4,5 tỷ đồng tiền lãi, trong bối cảnh khó khăn đó, đã có lúc, Vinalines đứng trên bờ vực phá sản”, ông Tĩnh nói.

Đã có dòng tiền

Ông Tĩnh cho biết thêm: Từ năm 2013-2016, những nỗ lực để tái cơ cấu Vinalines là nhiệm vụ lớn. Cụ thể, Vinalines tách rõ 2 mục tiêu chính: thứ nhất là đàm phán với các ngân hàng thương mại để chuyển nợ thành vốn góp, thứ hai là phải tạo dòng tiền để có nguồn thu. Từ mục tiêu đó, Chính phủ đã phê duyệt cho phép CPH Vinalines tạo bước ngoặt lớn để tái cơ cấu Tổng công ty.

Cụ thể, tính đến năm 2015, Vinalines đã hoàn thành CPH đối với 12 doanh nghiệp thành viên theo Đề án tái cơ cấu. Trong năm 2016, tiếp tục thực hiện CPH/tái cơ cấu đối với Công ty TNHH một thành viên Vận tải Biển Đông; hoàn thành công tác giải thể đối với Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines và tiếp tục thực hiện các thủ tục giải thể đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô và Trung tâm phát triển nhân lực hàng hải Đông Nam Á.Bên cạnh đó, Vinalines cũng tiếp tục thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án đối với 3 doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản là: Vinashinlines, Falcon và Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau.

Ngoài ra, Vinalines đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế với số tiền thu về hơn 2,7 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn từ khi tái cơ cấu đến nay lên 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 30 doanh nghiệp) với tổng số tiền thu về gần 2.346 tỷ đồng, lãi gần 541 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinalines đã tạo thêm “dòng tiền dương” từ việc CPH cảng biển và các công ty dịch vụ hàng hải, khi được nắm giữ 65% vốn điều lệ tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. “Các cảng này sau khi chuyển sang mô hình cổ phần hóa đã thực sự phát huy hiệu quả. Ví dụ như cảng Hải Phòng, lợi nhuận trước khi cổ phần hóa khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đã đạt trên 670 tỷ đồng; Cảng Đà Nẵng trước cổ phần hóa chỉ đạt lợi nhuận khoảng 40-50 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng... Các cảng liên doanh như: CMIT, CICT, SSIT cũng tăng trưởng về sản lượng và doanh thu. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ hàng hải và hoạt động khác ghi nhận mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng”…

“Như vậy, sau 3 năm tái cơ cấu công ty mẹ (từ 31/12/2013 đến 31/12/2016), Vinalines đã giảm nợ được 8.021 tỉ đồng, ghi tăng vốn nhà nước 2.883 tỉ đồng. Hiện còn nợ khoảng 3.300 tỷ đồng, tuy nhiên, về cơ bản vấn đề nợ của Tổng công ty đã được kiểm soát. Cùng đó, tạo được nguồn tiền để phục vụ cho đầu tư”, ông Tĩnh nói.

Tái cơ cấu đội tàu

Một trong những “bài toán” khá hóc búa với Vinalines hiện nay đó là tái cơ cấu vận tải biển. Dù sản lượng vận tải biển năm 2016 đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm là 14%, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổnbởi phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Theo báo cáo của Vinalines, trong năm qua, các hãng tàu nước ngoài đã lỗ tới 5 tỷ USD (thậm chí nhiều hãng tàu lớn đã tuyên bố phá sản như Hanjin (Hàn Quốc)), và đội tàu Việt Nam cũng không nằm vòng xoáy đó.

Trong bối cảnh đó, Vinalines đã tính toán hạn chế tối đa mức thâm hụt của vận tải biển, xử lý các DN vận tải biển yếu kém (nhưng vẫn phải đảm bảo được yêu cầu, mục đích kinh doanh), ví dụ như: bán các tàu già, yếu kém nhưng thuê tàu mới. Tại một số công ty vận tải biển, Vinalines cũng sẽ giảm vốn chi phối để tạo cho DN một cơ chế linh hoạt, cạnh tranh hơn trong bối cảnh thị trường khốc liệt.

“Ngoài ra, trong tháng 3/2017, Vinalines đã ký kết với Tập đoàn Than – khoáng sản để nhận được đơn hàng vận tải than (trước đây chủ yếu là các đơn vị nước ngoài). Bên cạnh đó, đội tàu Vinalines phải thay đổi quản trị để cạnh tranh với đội tàu tư nhân, vì hiện tư nhân cũng có những đội tàu rất mạnh, cùng cơ chế chuyển chuyển. Vì thế, bắt buộc các DN vận tải biển của Vinalines cũng phải thay đổi”, ông Tĩnh nói.

Về bức tranh tái cơ cấu Vinalines, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục hàng hải VN đánh giá, tái cơ cấu đội tàu của Vinalines đang đi đúng hướng dù thị trường còn nhiều bất ổn. Cùng với các nguồn thu từ dịch vụ hàng hải, cảng biển, tăng cao hàng năm thì việc IPO của Vinalines đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cùng với cơ chế đặc thù của Chính phủ dành cho Vinalines, nhiều đơn vị thành viên của Vinalines sẽ rất tiềm năng, thu hút nhà đầu tư. Đây là tiền đề tốt để Vinalines thực hiện IPO vào cuối năm 2017.

Đinh Tịnh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/vinalines-da-can-bang-tai-chinh-san-sang-thuc-hien-muc-tieu-ipo-d43731.html