Vinalines vươn mình trỗi dậy

Trên thế giới, có thể nhận thấy, một quốc gia hùng cường thường là một quốc gia có đường biển và có ngành hàng hải phát triển. Vững tay chèo vượt sóng lớn năm 2009, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang theo đuổi những kế hoạch để thực hiện hóa mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đề ra.

Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được khởi công ngày 31/10/2009 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh dấu mốc phát triển quan trọng của Vinalines Gặp ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐSQT, Tổng Giám đốc Vinalines vào thời điểm sát tết Canh Dần, tự nhiên tôi muốn hỏi một câu ngoài dự kiến - Điều gì khiến niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ông đến vậy? Đáp lại: Tết năm nay là cái Tết thật vui, sung túc với tất cả thành viên Vinalines. Cũng là đón Tết, nhưng ở thời điểm này năm ngoái, nỗi lo thường trực bởi khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành hàng hải. Năm 2009, năm của thử thách đã qua đi để lại những chiêm nghiệm về cách thức vượt lên và tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để đầu tư tăng tốc - ông Dũng chia sẻ. Và bắt đầu giai đoạn mới 2010 - 2020, ông Dũng đánh giá ngành hàng hải cần có chiến lược phát triển tăng tốc, tập trung mọi nguồn lực để có thể cáng đáng được trách nhiệm trở thành đầu tàu trong việc đóng góp vào GDP của cả nước đến năm 2020. Nếu cứ so tiềm năng hơn 2.000 km bờ biển của nước nhà, tham vọng này không quá lớn. Nhưng Việt Nam đi sau nhiều quốc gia láng giềng, vậy nên, áp lực lên ngành, lên doanh nghiệp đầu tàu như Vinalines không hề nhỏ. Kế sách đầu tư trúng và đúng Trong khi không ít doanh nghiệp theo đuổi các kế hoạch đầu tư bao sân nhiều lĩnh vực thì Vinalines lại chọn cách dồn trọng tâm vào chuyên môn chính - hàng hải với thế chân kiềng: Phát triển năng lực vận tải - Chú trọng khai thác cảng biển - Nâng chất, đa dạng dịch vụ hàng hải. Ba yếu tố này có ý nghĩa quyết định để gia tăng năng lực, qui mô và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Dũng đúc kết về bí quyết để vượt qua “cơn địa chấn” của kinh tế toàn cầu. Có thể dẫn chứng về điều này bằng việc, năm qua, đón bắt việc giá tàu xuống thấp, các doanh nghiệp trong Vinalines đã chú trọng phát triển năng lực vận tải bằng cách tận dụng nguồn vốn tự có, tìm kiếm nguồn vốn vay thương mại, thanh lý tàu cũ để đầu tư mua thêm 13 tàu hàng khô và 1 tàu container với tổng trọng tải khoảng 320.000 DWT, tổng mức đầu tư khoảng 180 triệu USD. Vinalines cũng đã đóng mới 1 tàu hàng khô 22.500 DWT, nâng tổng số tàu đóng mới hoàn thành lên 25 tàu, tổng trọng tải khoảng 319.000 DWT. Như vậy, với kế hoạch đầu tư trẻ hóa, tái cơ cấu đội tàu, đến nay, tổng trọng tải đội tàu của doanh nghiệp đã đạt khoảng 2,7 triệu DWT, chiếm khoảng 45% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia. Đón đầu xu hướng hồi phục của thị trường vận tải biển, trong năm 2010 Vinalines sẽ tiếp tục tập trung đầu tư thêm khoảng 350.000 tấn tàu thông qua hình thức đóng mới và mua tàu đang sử dụng, để nâng tổng trọng của tải đội tàu lên khoảng trên 3 triệu DWT vào cuối năm 2010. Cơ cấu đội tàu sẽ thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ các loại tàu chuyên dụng như tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng rời cỡ lớn. Nghiên cứu mở các tuyến vận tải container trực tiếp đến các thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu... Từ trước đến nay, chi phí vận tải biển của Việt Nam vẫn cao do phải qua trung chuyển. Nhưng khi thay đổi phương thức vận tải, mở đường vận tải thẳng, cước phí được giảm đi nhiều khiến áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được giảm đáng kể. Phát triển cảng biển là một ưu tiên đầu tư. Cho dù áp lực về vốn không nhỏ, nhưng ông Dũng cho biết, kế thừa những kết quả đạt được trong đầu tư cảng năm qua, trong năm 2010, Vinalines sẽ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Vinalines tham mưu để Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù đối với việc khai thác cảng trung chuyển quốc tế. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam được ghi dấu trên bản đồ vận tải biển quốc tế ở thứ bậc cao hơn, cạnh tranh được với các cảng của các nước láng giềng, thu hút lượng lớn tàu về cảng… Một điểm không thể bỏ qua, ông Dũng nhấn mạnh thêm, Vinalines sẽ tiếp tục phát triển hoạt động logistics, cung cấp các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng khép kín và thông suốt trên thị trường Việt Nam và khu vực. Ứng dụng công nghệ tin học vào công tác quản lý cũng được chú trọng để điều hành khai thác tàu và cảng đạt hiệu quả cao nhất. Điều mà ban lãnh đạo Vinalines luôn trăn trở chính là việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để không chỉ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp mà tiến tới còn xuất khẩu cán bộ, thuyền viên ra thế giới. Hàng loạt dự án đào tạo từ cao đẳng, đại học đã được nghiên cứu, xây dựng. Và khi có quyết định cho phép triển khai, Vinalines sẽ dốc sức cho đào tạo đội ngũ kế cận của mình, ông Dũng khẳng định. Tổng lực cho chiến lược biển Thế kỷ 21 được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa lý kinh tế và địa lý chính trị rất quan trọng. Một chiến lược biển Việt Nam đang được triển khai. Và điều ông Dũng trăn trở chính là, muốn mạnh lên vì biển không thể chỉ nội lực của ngành hàng hải, doanh nghiệp hàng hải là đủ. Vì chiến lược quốc gia cần sự nhập cuộc của Đảng và Nhà nước để có được những chính sách hỗ trợ ngành hàng hải, để sức mạnh toàn xã hội được huy động trở thành sức mạnh quốc gia cho sự tăng tốc của ngành trọng điểm này. Đây là câu chuyện cạnh tranh của quốc gia trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải là chuyện của một ngành, một nghề nào, ông Dũng kiến nghị. Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh chính là phát triển, đáp ứng các mục tiêu mà Chiến lược biển đã nêu. Muốn có ngành hàng hải mạnh, phải có đội ngũ những doanh nghiệp mạnh. Từ góc độ của Vinalines, ông Dũng kiến nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép Vinalines vay lại nguồn vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư tàu vận tải biển và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển trọng điểm cũng như được tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện chương trình đóng mới tàu. Vinalines cũng sẽ xem xét phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đa dạng thêm nguồn vốn cho các mục tiêu phát triển. Với những dự án phát triển hệ thống cảng biển, Vinalines đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các địa phương cùng hỗ trợ để dồn sức phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Hoàn thiện việc chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - công ty con, tạo tiền đề hình thành Tập đoàn Hàng hải Việt Nam hiện cũng được Vinalines chú trọng như một trong những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo nên cơ chế thống nhất và tập trung để nắm bắt kịp thời các cơ hội phát triển. Chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất mà không quên đầu tư cho phát triển nhân lực được Vinalines quán triệt đến các đơn vị thành viên. Hiện Vinalines đang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ việc đào tạo, sử dụng lực lượng cán bộ quản lý, sỹ quan thuyền viên phục vụ cho đội tàu vận tải biển của tổng công ty. Và khi trường đại học do tổng công ty đầu tư đi vào hoạt động, có thể nói, Vinalines sẽ có cơ hội phát triển vững mạnh hơn, ông Dũng cho biết. 3 triệu DWT là tổng trọng tải của đội tàu Vinalines vào cuối năm 2010 Làm sao để có thể hội nhập thành công, làm sao có thể trở thành quốc gia mạnh xuất phát từ lợi thế biển? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng bày tỏ, có biển đã là lợi thế. Nhưng lợi thế sẽ chỉ là lợi thế nếu như chúng ta không tạo nên được tinh thần quốc gia hội nhập. Điều ông Dũng trăn trở chính là làm sao để các doanh nghiệp của Việt Nam khi vươn ra biển lớn có được tính liên kết. Điều này phải trở thành truyền thống, nét văn hóa của con người, doanh nghiệp Việt Nam thì mới tạo nên được lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi một số luật để khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty tăng cường sử dụng các dịch vụ của nhau cũng là một hướng xem xét, ông Dũng nhấn mạnh khi khép lại cuộc trò chuyện cùng Doanh Nhân. Hướng Dương

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2010022611031538cat82/vinalines-vuon-minh-troi-day.htm