Vinatex phải cải cách, tránh lương quản lý cao, lương công nhân thấp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cần tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với cải cách hành chính, tránh tình trạng 'bộ máy cồng kềnh, lương quản lý thì cao, lương công nhân thì thấp'.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Sáng ngày 20/6, Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra Vinatex việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao và giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Mấu chốt là cổ phần hóa, cải cách bộ máy

Mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, thời gian qua, Tập đoàn đã có nhiều đổi mới, có bước phát triển rất tốt về thị trường, công nghệ, quản lý, giải quyết việc làm cho 80 vạn lao động.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Vianatex gặp nhiều khó khăn về thị trường sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do đó, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, theo ông Dũng, yêu cầu đầu tiên của Thủ tướng là cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, mục tiêu là hiệu quả. Hiện, tập đoàn đang đầu tư 41 dự án, nhưng mới làm tốt ở hai khâu đầu và cuối là sợi và may, còn “điểm nghẽn” là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… đều khó khăn.

“Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tiếp đó là đẩy mạnh cổ phần hóa, tư nhân hóa doanh nghiệp may toàn ngành. Đây là vấn đề mấu chốt, nếu không ngành sẽ không thể phát triển.

Dẫn chứng, vừa rồi Thủ tướng đi Mỹ, vào gian hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống, rất mừng khi thấy quần áo Made in Việt Nam, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dệt may Việt Nam đã chinh phục những thị trường rất khó tính, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, với các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, ASEAN… hàng dệt may vẫn khó vào. Do đó, nếu không đổi mới, cổ phần hóa sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Vấn đề thứ tư, Thủ tướng yêu cầu ngành Dệt may là phải có giải pháp tốt để thay vì chỉ gia công thì phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao.

Cùng với đó, ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh cải cách hành chính nội bộ.

“Nếu ta không tự cứu chúng ta, đổ lỗi cho thị trường, không có cải tiến và cải cách hành chính thì rất khó. Cải cách để tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh, lương quản lý thì cao, lương công nhân thì thấp”, ông Dũng nói.

Gắn với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị, Bộ Công thương tiếp tục xem xét, kiến nghị cải cách hành chính ở các khâu liên quan tới chính sách thuế, hải quan…

Ngành Dệt may dễ bị tổn thương

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần của Thủ tướng là phải quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đề ra.

“Tăng trưởng 6 tháng của Vinatex có dấu hiệu rất tốt, vậy có hứa được với Thủ tướng là cả năm sẽ đạt doanh thu, xuất khẩu vượt kế hoạch bao nhiêu, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng?”, ông Dũng nêu.

Báo cáo của Tập đoàn cho thấy dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, có 65% doanh nghiệp sản xuất gia công, sản xuất nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu từ các nước.

“Ngành Dệt may hiện đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, vì vậy nhập khẩu vải từ các quốc gia khác”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Điều hành Vinatex cho biết.

Cũng theo Vinatex, Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh nặng ký với quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, nhất là về nguồn lực, Trung Quốc giành lợi thế theo quy mô.

Còn trong nước, tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu), tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.

Vinatex đề nghị có quy hoạch tổng thể đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 cho các ngành thâm dụng lao động, tiếp tục là ngành trọng yếu trong xuất khẩu, gắn với chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Đồng thời có, có chính sách riêng, ưu đãi hơn về thuế, phí nếu doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, có chương trình đào tạo người lao động, điều chỉnh giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn...

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/vinatex-phai-cai-cach-tranh-luong-quan-ly-cao-luong-cong-nhan-thap_t114c7n120561