Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đình Quân!

Tôi với Nguyễn Đình Quân, tự Quân 'cóc', facebooker Thiềm Thừ, PV báo Tiền Phong thường trú tỉnh Khánh Hòa, quen nhau cũng đã xấp xỉ gần 20 năm.

Dù đôi lúc cũng có vài bất đồng về góc nhìn đề tài, tranh cãi nhau nhưng chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin, rủ nhau “chia lửa” những vụ việc lớn.

Quân lớn tuổi hơn nhưng vẫn xưng ông, tôi một cách trân trọng, trân trọng như những câu chuyện mà Quân thường tâm sự về những chuyến đi Trường Sa và đau đáu tình yêu biển đảo của mình.

Có lần Quân từng vừa khóc vừa kể chuyến đi Trường Sa vào đầu năm 2011 khi nhận trọng trách mang theo lá thư của ông Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Lá thư của người cha viết rất ngắn: “Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát” và nhờ Quân đọc to trên biển Trường Sa rồi hóa vàng lá thư để liệt sĩ Tuấn biết rằng không ai bị lãng quên.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân trong một chuyến công tác. Ảnh: TL

Quân “cóc” là vậy, làm là làm tới nơi tới chốn, cẩn thận từng ly và công tác tư liệu vô cùng tốt. Mười mấy năm trước, khi cùng chúng tôi tham gia vụ án “vườn điều” và vụ án oan “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Quân đã làm cho nhiều đồng nghiệp nể phục bởi sự bền bỉ, đam mê nghề của mình. Có lẽ ít ai biết hai tấm ảnh chấn động khi Huỳnh Văn Nén cởi áo giữa công đường tố cáo điều tra viên bức cung, nhục hình là của Quân và tôi. Trong khi Quân lưu giữ rất kỹ còn tôi phải may mắn lắm mới tìm lại được. Và cũng ít ai biết nút thắt “lá thư tình” ngụy tạo trong vụ án “vườn điều” nhằm kết tội chín người trong một gia đình giết người vì đánh ghen cũng nhờ sự cần mẫn, siêng năng của Quân mới sáng tỏ hơn.

Tôi vẫn nhớ như in sau phiên tòa mà nhân chứng Y., người được cho là viết giúp lá thư tình cho nạn nhân xuất hiện tại tòa. Bà Y. đã ấp úng khai không khớp. Sau phiên tòa, Quân đã tìm đến quê của bà Y. ở một tỉnh miền Trung thu thập thêm và công bố lá thư trên là ngụy tạo.

Nhà ở Khánh Hòa, tham gia hai vụ án trên ở Bình Thuận theo yêu cầu của tòa soạn khiến Quân vô cùng vất vả, phải đón xe đò lúc nửa đêm đi lại như con thoi để kịp tham dự tòa.

Còn nhớ hôm 3-12-2015, khi các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén tại Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), Quân và tôi hẹn nhau có mặt tại nhà ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh) để sáng kịp làm việc. 12 giờ đêm, chúng tôi trải chiếu dưới nền xi măng nhà ông Thận ngả lưng. Thế nhưng mới 3 giờ sáng, Quân lay tôi dậy vừa cười vừa nói: “Ông ngáy quá làm tui thức luôn, thôi dậy uống nước trà, anh em mình bàn chút việc”. Rót nước trà vào ly, Quân “cóc” chậm rãi: “Ông à, tui nghĩ trước khi gia đình ông Nén nhận được tiền bồi thường mình nên vận động xây căn nhà tình thương để gia đình có chỗ chui ra chui vô chứ nhìn thương quá, 17,5 năm trong tù chứ ít gì”.

Thì ra đây là những suy nghĩ, thao thức suốt đêm của Quân chứ đâu phải vì tiếng ngáy của tôi. Quân là vậy, luôn quan tâm đến nhân vật của mình và luôn làm hết sức có thể để có cái kết tròn trịa. Nhà ông Nén sau đó được xây phần lớn cũng là nhờ kêu gọi, đóng góp của Quân “cóc”...

Vậy mà hôm qua, ngày 6-9, nhà báo Nguyễn Đình Quân đã đột ngột qua đời do tai nạn giao thông tại TP Nha Trang khi đang trên đường tác nghiệp.

Đau xót quá, anh Quân ơi!

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/vinh-biet-nha-bao-nguyen-dinh-quan-725679.html