Vĩnh biệt NSND Tường Vi

Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo, NSND Tường Vy được xem là hình mẫu trong cách thể hiện ca khúc 'kinh điển' 'Cô gái vót chông'.

NSND Tường Vi sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Những năm 1950 - 1951, hầu như tối nào bộ đội cũng sinh hoạt văn nghệ tại sân nhà bà ngoại Tường Vi. Nhờ đó, NSND Tường Vi thuộc những bài hát cách mạng, nhạc trữ tình Văn Cao.

Năm 16 tuổi, sau cú sốc bà ngoại mất vì bom đạn, cô gái Tường Vi xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108 để được chữa trị cho các chiến sĩ. Trong quá trình chăm sóc thương binh, bà hay cầm đàn guitar hát cho họ nghe nên được điều sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị hoạt động chuyên nghiệp.

Năm 1956, bà chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu được học thanh nhạc. Tại đây, bà bộc lộ rõ chất giọng nữ cao vang sáng lanh lảnh như chim hót của mình. Năm 1962, nữ nghệ sĩ thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Tới năm 1974, bà theo học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nhờ đó, NSND Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.

NSND Tường Vi.

Trong những năm chiến tranh, NSND Tường Vi theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, dùng "tiếng hát át tiếng bom". Bà trở thành thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát phục vụ các thương binh, giúp họ phần nào quên cơn đau và yên tâm chữa trị. Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như những thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.

Tiếng hát của NSND Tường Vi đa dạng, thể hiện được nhiều dòng nhạc, từ bán cổ điển, cách mạng tới dân ca. Trong suốt sự nghiệp, nữ nghệ sĩ thu âm nhiều và nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với những ca khúc bất hủ như: “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái vót chông”, “Em là hoa Pơ Lang”, “Người con gái sông La”...

Trong số những ca khúc nổi tiếng do NSND Tường Vi thể hiện thì “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi) là bài hát khiến khán giả nhớ tới nhiều nhất dù bà không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Ở bái hát “Cô gái vót chông”, để tận dụng sở trường của giọng nữ cao màu sắc cũng như muốn thêm gam màu của núi rừng đại ngàn vào phần thể hiện, bà dùng kỹ thuật staccato (hát nẩy, hát tách) bằng giọng óc để giả tiếng chim vô cùng sinh động, ấn tượng. Phần thể hiện “Cô gái vót chông” của NSND Tường Vi đã trở thành khuôn mẫu kinh điển cho mọi thế hệ ca sĩ sau này. Kể từ khi bản thu của bà ra đời, mọi ca sĩ sau đó đều phải thực hiện staccato khi hát “Cô gái vót chông”.

Không chỉ tỏa sáng trong lĩnh vực ca hát, NSND Tường Vi còn để lại những dấu son trong sự nghiệp sáng tác, trong đó nổi bật là tác phẩm “Phi đội ta xuất kích” - một trong 10 bài hát truyền thống của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Những ca khúc thiếu nhi của bà cũng để lại ấn tượng như: “Đời cho em những nốt nhạc vui”, “Trái tim ơi đừng buồn”, “Ước mơ của bé là hòa bình”...

Sau này, bà làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đồng Quang Vinh, Giáng Son... Bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962-1982); Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1962-1982).

NSND Tường Vi (ngoài cùng bên phải) và các em nhỏ hát cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe.

Không chỉ giỏi chuyên môn, NSND Tường Vi còn có trái tim bao dung. Năm 1992, bà thành lập Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Bồi dưỡng tài năng trẻ trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Hà Nội, sau đó là Đà Nẵng và Quảng Nam. Bà cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giáo viên tâm huyết, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhận những em khó khăn, khuyết tật, thiếu may mắn có năng khiếu để nuôi dưỡng và dạy năng khiếu, ngoại ngữ.

Với những đóng góp của mình, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984, danh hiệu NSND năm 1993. NSND Tường Vy được Nhà nước khen thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. NSND Tường Vy cũng là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (xuất bản năm 1996).

NSND Tường Vy là người sống kín đáo trước truyền thông. Được biết, vào những ngày cuối đời, nghệ sĩ sống tại TP. Đà Nẵng. NSND Tường Vy đã qua đời vào chiều 11/5 ở tuổi 87, sau thời gian mắc bệnh nặng. Lễ viếng diễn ra vào 7h ngày 14/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, TP Đà Nẵng; Lễ truy điệu lúc 12h cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5./.

HN (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/vinh-biet-nsnd-tuong-vi-664921.html