Vĩnh biệt NSƯT - đạo diễn Lê Dân: Cuộc đời ông dành riêng cho điện ảnh

“Tôi là đạo diễn Việt Nam, phải sống ở Việt Nam, làm phim về đất nước mình, về bản sắc văn hóa dân tộc mình..."

Đạo diễn Lê Dân và diễn viên Gérard Saub - người đóng vai Peter Cage (phim Những bức thư từ Sơn Mỹ)

5 năm trước giải phóng là giai đoạn điện ảnh Việt Nam trỗi dậy. Người dân miền Nam đã quá lâu không được xem phim nội, nên sự trở lại của phim Việt gần như một sự chấn động. Chỉ trong 5 năm, phim Việt chiếm lĩnh rạp cả trăm phim, phim nào cũng có doanh thu cao ngất. Đó là thời của ba đạo diễn họ Lê: Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng. Đó là một thế giới của ánh sáng chói ngời quyền lực, của danh tiếng và tiền bạc, là chỗ mà vô số chàng trai, cô gái ước ao được bước vào.

Đó là thế giới của Lê Dân, một luật sư tốt nghiệp ở Pháp về với hành trang là hai tấm bằng của hai học viện điện ảnh: Học viện Cao đẳng Điện ảnh (IDHEC) và Học viện Nghiên cứu Điện ảnh (IDF). Ông còn mang theo cái lý lịch mà Việt Nam Cộng hòa ghi vào sổ đen: đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Người thanh niên tràn đầy ước vọng cho một xã hội công bằng, dân chủ ấy tạm thời xếp lại ước vọng điện ảnh, chỉ viết báo, dạy học và thực tập thước phim đầu tiên năm 1957 - Hồi chuông Thiên Mụ, đưa tên tuổi Kiều Chinh lên hàng minh tinh. Nhưng sau đó, điện ảnh VN lặng tắt, ông trở về với nghề luật sư, từ năm 1966, hoạt động tích cực trong Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc, là một trong những thành viên đầu tiên của Ban chấp hành Hội Văn nghệ Giải phóng dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Tôi còn nhớ rõ cảm giác bồi hồi, rạo rực khi đứng xếp hàng trong dòng người đông nghịt trước rạp chiếu bóng để xem cho bằng được bộ phim Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân năm 1970. Tôi đã khóc khi nhìn thấy cô Xuân (Thanh Nga đóng), một cô gái nghèo khổ bị một lũ côn đồ cưỡng bức đến chết. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi… Cũng từ đấy, tôi đón xem rất nhiều phim của ông, phim nào cũng có thông điệp tiềm ẩn. Sau giờ giới nghiêm cũng với cách nhìn ấy, một thiếu nữ con nhà nghèo chạy theo những phồn vinh giả tạo, cuối cùng, cuộc đời tan nát…

Sau giải phóng, cả ba đạo diễn họ Lê đều ở lại đất nước để làm nên những thước phim để đời. Lê Hoàng Hoa có Ván bài lật ngửa, Lê Mộng Hoàng có Mùa xuân cho em và Lê Dân có Xương rồng đen… Giới làm phim vẫn kháo nhau về sự khác biệt rõ rệt giữa Lê Hoàng Hoa và Lê Dân, như hai nền văn hóa Mỹ và Pháp. Một ông quần jeans, áo pull, đội mũ cao bồi, nói lớn, cười to, hành động dứt khoát và một ông áo sơ mi trắng dài tay, ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm cung và lịch sự “như Tây”.

Lần đầu được tiếp xúc với ông, cô bé của năm 1970 không thể ngờ người đạo diễn mà mình kính trọng năm xưa lại giản dị và khiêm cung đến thế. Ông như một thầy giáo hiền lành, nhỏ nhẹ với tất cả mọi người.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông lật bật mở máy chiếu cho tôi xem những thước phim mới của ông, từ Ông cố vấn đến Người con gái Đất Đỏ với niềm vui tràn lên mắt. Nhớ những lần ông tâm sự ước mơ làm phim của mình với quá nhiều hy vọng.

Thời gian về sau ông yếu nhiều, nhưng dự án làm phim thì lúc nào cũng thôi thúc đến lạ kỳ. Tôi nghe rất nhiều dự án, từ bộ phim về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi bộ phim về Sơn Mỹ… Ông nói đến nhiều tổ chức sẽ bỏ vốn cho ông làm phim, nhưng dường như không có cái nào thành.

Cuối cùng, ông phải thế chấp nhà để thực hiện cho được bộ phim ông hằng thao thức Những bức thư từ Sơn Mỹ. Bộ phim này được mang đi Cannes, ông tin đó là tiếng nói hay nhất để cả thế giới hiểu hơn về lòng vị tha của người Việt Nam. Nhưng ông đã thất bại.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/vinh-biet-nsut--dao-dien-le-dan-cuoc-doi-ong-danh-rieng-cho-dien-anh-70138/