Vịnh Cá mập

Vịnh Shark (Vịnh Cá mập) nằm ở vùng cực Tây của nước Úc, cách thành phố Perth khoảng 800 km về phía Bắc. Một chuyến thám hiểm do Dirk Hartog vào năm 1616 đã trở thành đoàn thám hiểm đầu tiên tới vịnh Shark và là thứ hai của châu Âu đến thăm Úc. Shark Bay được đặt tên bởi William Dampier vào ngày 7 tháng 8 năm 1699.

Vịnh Shark bao gồm rất nhiều khu vực được bảo tồn như Công viên Đại dương vịnh Cá mập, Vườn Quốc gia Francois Peron, Khu bảo tồn Đại dương Hamelin Pool, Khu bảo tồn thiên nhiên Zuytdorp và nhiều hòn đảo. Vịnh Shark có diện tích 10.000 km2, với độ sâu trung bình 10 đến 15m và được chia nhỏ bằng các bờ cạn với nhiều đảo và bán đảo. Vịnh Shark là vịnh đi sâu vào đất liền tạo thành một cái “đầm” khổng lồ. Vì vậy độ mặn của nước biển trong vịnh cao hơn nước biển bình thường.

Vịnh Cá mập nằm ở vùng cực Tây của nước Úc

Vịnh Cá mập nằm ở vùng cực Tây của nước Úc

Do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa ba vùng khí hậu và chính giữa hai vùng sinh thái nên vịnh Shark là một khu vực quan trọng đối với động vật học. Nơi đây là nơi sinh sống của khoảng 10.000 lợn biển (hay còn gọi là bò biển), chiếm khoảng 10% số động vật này trên thế giới, và rất nhiều cá heo Ấn Độ Dương mũi to.

Vịnh Shark là khu vực quan trọng đối với động vật học vì hội tụ rất nhiều loài động vật quý hiếm

Ngoài ra, vịnh còn là nhà của hơn 323 loài cá khác nhau như cá mập, cá đuối, cá voi lưng gù và 26 loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng cũng như hơn 230 loài chim và gần 150 loài bò sát. Vịnh Shark là khu vực nuôi dưỡng và môi trường thích hợp cho các động vật giáp xác và động vật có ruột khoang sinh sản và phát triển.

Không những là nơi có nhiều động vật quý hiếm và đa dạng, Vịnh Shark còn nổi tiếng với những thảm thực vật khổng lồ, lớn nhất và phong phú nhất trên thế giới.

Vịnh Shark là môi trường thích hợp cho các động vật giáp xác, động vật có ruột khoang sinh sản và phát triển

Nằm ở phía Nam của vịnh, là nơi có lớp đá trầm tích từ vi sinh vật sống hơn 3000 năm tuổi. Đây là nơi điển hình về sự đa dạng, phong phú nhất của các hình thức đá trầm tích trên thế giới. Đây là điểm đặc biệt ở Vịnh Shark, những lớp đất sét thạch cao cứng được gọi là Birridas. Birridas rất đa dạng về kích thước, có hình tròn hoặc hình bầu dục, đường kính khoảng 100m, lún vào bất thường hoặc lún kéo dài giữa các cồn cát với chiều dài vài km.

Birridas góp phần quan trọng đưa Vịnh Shark trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vịnh Shark là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1991.

Minh Châu

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/du-lich/vinh-ca-map-36111.html