Vĩnh Phúc: Nghi án 'đá bóng' trách nhiệm quản lý, giám sát trong dự án bờ kè Trung Hà?

Từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng thế giới WB6, dự án kè Trung Hà mới hoàn thành năm 2014 nhưng nhanh chóng bộ sự lãng phí sau khâu quản lý, giám sát của các quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin nên đọc

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo khẩn trương giải quyết vụ bờ kè Trung Hà sau phản ảnh của Pháp Luật Plus

Một doanh nghiệp ngang nhiên san lấp hàng nghìn m2 đất nông nghiệp trái phép tại Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng về dự án sạt bờ kè trăm tỷ

Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phụ tử vong tại bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc

Đầu tư xong không giám sát?

Chúng tôi tìm đến xã Trung Hà trong một buổi chiều muộn, từ phía xa xa, 2 mũi kè hiện lên giữa dòng sông Hồng ôm trọn lấy bãi bồi xanh mướt màu cây lá. Tiến lại gần hơn, bờ kè thôn 2 xã Trung Hà hiện ra, nằm chênh vênh trên mặt nước bao quanh là hàng trăm chiếc tàu khai thác cát khiến chúng tôi không khỏi giật mình!.

Ai đã lấy mất phần đất cát hộ chân kè, bãi bồi trong thân kè giờ đang ở đâu? Trả lời câu hỏi này, người dân địa phương chỉ tay về những chiếc tàu nổi trên sông và bảo: “Lên thuyền hết rồi còn đâu, người ta hút cát thế kia thì đến bờ kè cũng trôi chứ huống chi là cát. Chỉ một thời gian nữa thôi, các anh quay lại chỗ này chắc chỉ toàn là nước chứ bãi bồi gì nữa.”

Kè Trung Hà xây dựng hai mũi kè năm 2011 từ vốn vay của Ngân hàng Thế Giới , nằm trong Dự án WB6 để nắn dòng chảy đang từng giờ “oằn mình” chống đỡ trước nạn khai thác khoáng sản rầm rộ trên sông Hồng.

Bờ kè thôn 2 nằm chênh vênh trên mặt nước (ảnh Đào Tấn).

Chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thành xây dựng, mũi kè thôn hai xã Trung Hà hướng ra sông Hồng nhanh chóng bị mất đất, cát hộ chân hiện chỉ trơ ra toàn đá nằm chênh vênh trên mặt nước.

Được biết, từ khi bờ kè Trung Hà được xây dựng đến nay, thay vì nghiêm cấm hoạt động khai thác cát tại khu vực kè để đảm bảo an toàn cho kè nắn dòng thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát ngay tại khu vực kè.

Theo quan sát, toàn bộ đất bãi bồi tại mũi kè thôn 2 đã biến mất nhường chỗ cho nước sông Hồng ôm trọn lấy bờ kè. Sát ngay bờ kè, có rất nhiều chiếc thuyền đang neo đậu, di chuyển và chở cát trên sông.

Phải chăng, các cơ quan chức năng đã bỏ qua khâu quản lý, giám sát sau khi xây dựng bờ kè? Hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng kè của Ngân Hàng Thế Giới đến đâu, trong khi tình tạng “cát tặc” và khai thác cát đang diễn ra bất chấp những hệ lụy là sạt lở đất, bờ kè có thể xảy ra bất cứ lúc nào?

Khâu quản lý giám sát và bảo vệ kè có bị bỏ qua? (ảnh Đào Tấn).

Trước đó, tại bờ kè bối xã Đôn Nhân huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã bị sạt lở nghiêm trọng, ruộng canh tác và hoa màu của người dân bị sạt lở xuống lên tới hơn 6.000m3.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phải gia cố bờ kè, đền bù thiệt hại cho người dân và triển khai xây dựng dự án kè tại khu vực để chống sạt lở. Nguyên nhân chính cũng do hoạt động khai thác cát tại khu vực tăng cao, khiến đất đá hộ chân kè bị kéo tụt xuống sông, ruộng và hoa màu của người dân cũng chung cảnh ngộ.

Xã Trung Hà được đầu tư xây dựng 2 mũi kè, 1 mũi từ thôn 2, một mũi tại thôn 5 và lao thẳng ra sông ôm trọn bãi bồi. Trong khi việc đầu tư xây dựng đã hoàn thành nhưng khâu quản lý giám sát và việc cấp phép bừa bãi dẫn tới sạt lở bờ sông, bờ kè đang diễn ra không những ảnh hưởng tới uy tín của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước đối với Ngân Hàng Thế Giới.

Đá bóng trách nhiệm?

Khi phát hiện ra tình trạng khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến kè chỉnh trị Trung Hà, người dân địa phương đã gửi những lá đơn đề nghị, phản ánh tới các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc. Những mong, tâm tư của người dân sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm, giám sát để bảo vệ công trình kè Trung Hà “thôi” không bị bảo mòn bởi hoạt động khai thác cát.

Chưa dừng lại ở việc khai thác cát diễn ra, người dân địa phương còn phản ánh về tình trạng xây dựng công trình sát bờ kè gây nguy hiểm tới dự án toàn của thân kè Trung Hà.

Xây nhà văn hóa sát kè liệu có đảm bảo an toàn (ảnh Đào Tấn).

Ông Đỗ Viết Quyết đại diện cho 12 Cựu chiến binh và người dân của thôn 3, thôn 4, thôn 5 chỉ tay về hướng mũi kè đang oằn mình trước hoạt động khai thác cát rồi thốt lên: “Nhân dân chúng tôi được đầu tư 2 mũi kè, mũi kè thôn 2 thì bị khoét sâu vào bên trong mũi kè 200m khơi thành luồng cho tàu trọng tải lớn đi vào. Lượng cát bị hút trộm ở bờ bãi lên tới hàng triệu m3. Trong khi đó, tại mũi kè thôn 5 cũng đang bị UBND xã Trung Hà đổ đất để làm nhà văn hóa đổ lên mặt kè và lấy thân kè để làm bờ ngăn đất”.

“Chúng tôi thiết nghĩ, đoạn kè này được xếp bằng đá chứ không phải đóng bằng cọc bê tông nay lại bị một lượng đất cát nằm trên phía thượng lưu gây lực tác động khi có mưa lũ sẽ đẩy con kè xuống phía hạ lưu. Hiện nay nhìn bằng mắt thường đã thấy thân kè thôn 5 biến dạng và oằn mình chống đỡ hàng trục m3 đất. Chưa dừng lại, nhà văn hóa thôn 5 còn xây lên cao trên mặt kè từ 2 đến 3m” - ông Quyết cho biết thêm.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi - PV đã có cuộc trao đổi với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để có câu trả lời cho những mong mỏi của người dân địa phương về việc giải cứu bờ kè. Trao đổi qua địa thoại, một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Anh đã giao anh Phong - Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các em qua làm việc với Sở Nông nghiệp”.

Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Phong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc được vị này cho biết: “Anh đã giao cho anh Sinh - Chi cục đê điều, các em qua gặp anh Sinh”.

Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục đê điều tỉnh Vĩnh Phúc được biết: "Kè mũi (WB6) xã Trung Hà, huyện Yên Lạc được Cục đường thủy nội địa Việt Nam đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn (WB6) là không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành nông nghiệp mà là thuộc quyền quản lý, khai thác, bảo vệ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam".

Ở một diễn biến khác, khi chúng tôi (- PV) thực hiện loạt bài viết này, thông tin người tố cáo cho biết, họ đang bị nhiều đối tượng lạ mặt dọa “dìm xuống sông”, sự việc này PV Pháp Luật Plus đã thông tin tới lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Hy vọng, các các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng vào cuộc và có biện pháp bảo vệ người dân, người đứng ra tố cáo khi phát hiện thấy tiêu cực.

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Tấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vinh-phuc-nghi-an-da-bong-trach-nhiem-quan-ly-giam-sat-trong-du-an-bo-ke-trung-ha-d44186.html