Vĩnh Phúc: Vĩnh Tường - Một vùng cẩm tú

'Quê em Vĩnh Tường biển lúa mênh mông, dâu xanh bát ngát, bên sông Hồng Hà. Ngọt ngào câu hát dân ca, xôn xao nỗi nhớ, nhớ về quê em. Một miền huyền thoại thi ca, chưa xa đã nhớ, quê em Vĩnh Tường'... Những ca từ mượt mà mở đầu bài hát 'Vĩnh Tường quê em' của tác giả Lê Xuân Thủy đã gợi nhớ da diết về một vùng quê văn hiến trù phú bên bờ bắc sông Hồng.

Vĩnh Tường phấn đấu đạt đô thị loại IV giai đoạn 2020 -2025

Vĩnh Tường phấn đấu đạt đô thị loại IV giai đoạn 2020 -2025

Đất lành chim đậu và truyền thống yêu nước

Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Vĩnh Tường là huyện nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng ở về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên gần 142 km2, gồm 25 xã và 3 thị trấn với dân số hơn 20 vạn người. Phía Tây Bắc, Vĩnh Tường lấy sông Phó Đáy (còn có tên là sông Quả) làm ranh giới với xã Triệu Đề và xã Sơn Đông của huyện Lập Thạch. Phía Tây bắt đầu từ xã Việt Xuân, Vĩnh Tường có con sông Hồng làm ranh giới tự nhiên với Tp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và thị xã Sơn Tây của Tp Hà Nội, kéo dài tới xã Vĩnh Ninh ở cực Nam huyện. Phía Tây Bắc, Vĩnh Tường giáp với xã Hoàng Lâu, Vân Hội, Hợp Thịnh thuộc huyện Tam Dương. Phía Đông huyên Vĩnh Tường hoàn toàn tiếp giáp với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đất lành chim đậu, là vùng đồng bằng phù sa cổ, Vĩnh Tường là một trong những địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc sớm có người đến sinh tụ. Nằm ở vùng chuyển giao giữa châu thổ và trung du Bắc Bộ nên vùng đất Vĩnh Tường là nơi trầm tích những dấu vết của nền văn minh sông Hồng thời tiền sơ sử. Phần lớn các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nằm ở các xã phía Bắc của huyện, bởi địa hình nơi đây giáp với miền núi nên người Việt cổ đã chọn và cư trú dưới chân đồi, núi đất, trên các doi đất cao gần sông, ngòi. Trong tổng số 18 di chỉ văn hóa thời Phùng Nguyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường đã có 7 di chỉ. Trong đó Tiêu biểu nhất là di chỉ Lũng Hòa (thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa) được phát hiện tháng 4 năm 1963, di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng) cũng phát hiện năm 1963, khai quật năm 1967. Di chỉ nghĩa lập ngoài phát hiện các hiện vật đá, gốm năm 2006 các nhà khoa học phát hiện ngôi mộ cổ thuộc thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên minh chứng thêm đây không chỉ là một di chỉ cứ trú mà còn là di chỉ mộ táng. Đồng thời khẳng định ngay từ thơi kỳ Phùng Nguyên tại đây đã hình thành một làng nông nghiệp và có sự trao đổi giao lưu với các khu vực lân cận.

Di cốt người Việt cổ tại di chỉ Nghĩa Lập từ thời kỳ Phùng Nguyên

Di cốt người Việt cổ tại di chỉ Nghĩa Lập từ thời kỳ Phùng Nguyên

Các di chỉ này thuộc giai đoạn cuối thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên chuyển tiếp sang thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (Yên Lạc), được các nhà khoa học đánh giá và gọi là giai đoạn Lũng Hòa hay Phùng Nguyên muộn (Hán Văn Khẩn – trường ĐH KHXH nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội). Đó là di chỉ cư trú và mộ địa lớn, công cụ văn hóa thu được gồm có rìu bôn, đục, hoa tai, hạt chuỗi đá. Nhiều hiện vật gốm còn nguyên vẹn.

Bên cạnh đó là các di tích và địa điểm khảo cổ học khác như: di tích Gò Mát ở phía tây bắc thôn Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, cách di chỉ Lũng Hòa khoảng 800m, được phát hiện năm 1972 và đã đào hố thám sát 1m2; di tích Đồng Hương thuộc thôn Hương Viên (Phương Viên), thị trấn Thổ Tang, được phát hiện năm 1978, chưa qua thám sát, khai quật; di tích Ma Cả thuộc tổ dân phố Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, đã điều tra thám sát, chưa khai quật; gò Đồng Cũ ở xã Lũng Hòa, Gò Đuông ở xã Bồ Sao, Bãi Mía ở xã Vĩnh Sơn; các địa điểm ở xã Vũ Di… Những phát hiện khảo cổ học trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cho thấy vùng đất này từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách ngày nay chừng 4.000 năm đến 3.500 năm, mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn. Cũng qua các di chỉ khảo cổ này đã cho thấy, các cư dân đầu tiên của Vĩnh Tường đã biết tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, lấy trồng trọt và chăn nuôi làm hai nghề sản xuất chính duy trì cuộc sống. Dựa trên nền tảng từ nền kinh tế sơ khai đó để hàng ngàn năm sau Vĩnh Tường vẫn là một vựa lúa, là nơi có sản lượng lương thực và thực phẩm lớn của Vĩnh Phúc.

Sau giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Vĩnh Tường thuộc bộ Văn Lang – kinh đô của nhà nước Văn Lang, được cai quản dưới triều đại Hùng Vương. Các tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái đều chép rằng, nhà nước Văn Lang có 15 bộ phân bố rộng khắp. Đến thời Thục Phán An Dương Vương lập nước Âu Lạc, Vĩnh Tường lại trở thành “ngoại ô”, là “phên dậu” ở phía Tây Bắc của kinh đô Cổ Loa. Trong suốt gần một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, Vĩnh Tường thuộc về quận Giao Chỉ. Đến thời Lý (1009 - 1225), Vĩnh Tường thuộc về lộ Quốc Oai (Sơn Tây cũ và Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay). Sang thời Trần và thuộc Minh (1226 - 1427), đất đai của Vĩnh Tường thuộc châu Tam Đới, lộ Đông Đô. Những năm đầu của nhà Lê Sơ, Vĩnh Tường thuộc Tây Đạo, đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) thuộc thừa tuyên Quốc Oai....Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), phủ Tam Đới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng, Phù Ninh). Tên gọi Vĩnh Tường chính thức từ đó.

Năm 1899, thành lập tỉnh Vĩnh Yên, phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập, không bao gồm các huyện, song vẫn còn kiêm lý huyện Bạch Hạc. Phủ Vĩnh Tường khi đó gồm có 8 tổng, 73 làng. Huyện Bạch Hạc, do tri phủ Vĩnh Tường kiêm nhiệm cai quản có 2 tổng, 14 làng (theo sách Đồng khánh địa dư chí vào cuối thế kỷ XIX). Năm 1927, phủ Vĩnh Tường gồm 10 tổng: Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Mộ Chu, Nghĩa Yên, Tang Giá (Tang Đố), Thượng Trưng, Tuân Lộ với 85 làng, xã.

Bản đồ địa giới hành chính huyện Vĩnh Tường ngày nay

Bản đồ địa giới hành chính huyện Vĩnh Tường ngày nay

Sau khi cách mạng tháng 8 (1945) thành công, phủ Vĩnh Tường được thay thế bằng huyện Vĩnh Tường. Trải qua nhiều biến động lịch sử và những thay đổi về hành chính thì đến nay địa danh Vĩnh Tường đã ghi sâu vào tiềm thức người dân Vĩnh Phúc như là một trong các vùng đất cổ giàu truyền thống, văn hiến. Ngược dòng lịch sử, chúng ta vô cùng tự hào với truyền thống vẻ vang của quê hương Vĩnh Tường. Tiếp nối sự nghiệp Hùng Vương, hình ảnh nữ tướng Lê Ngọc Trinh, người con quê hương Lũng Hòa (Vĩnh Tường), với tài thao lược, vào những năm đầu Công nguyên, đã phò giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, thu lại 65 thành trì, được Vua Bà phong chức Đại tướng quân, và ban tặng 8 chữ “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”.

Dưới triều Lý Cao Tông, Vĩnh Tường có tướng quân Nguyễn Văn Nhượng, quê Tứ Trưng, đã có công cầm quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành, góp phần giữ yên bờ cõi Đại Việt. Thời nhà Trần, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2, thứ 3, nhân dân Vĩnh Tường đã giúp tướng Trần Nhật Duật tổ chức nhiều trận chiến đấu gan dạ, anh dũng, bảo toàn lực lượng và đánh thắng quân giặc ở khu vực Bạch Hạc, cùng với cả dân tộc lắng sâu vào ý thơ của vua Trần Nhân Tông: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhân dân Vĩnh Tường đã hăng hái tham gia chiến đấu, cùng nghĩa quân Lê Lợi lập nên những chiến công hiển hách ở Bình Lệ Nguyên, Cầu Sa Lộc, thành Tam Giang cùng với cả dân tộc cất vang lời Đại cáo: “Nghìn năm vết nhục nhã sạch làu; Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.

Quang cảnh đền thờ Liệt sĩ Nguyễn Thái Học

Quang cảnh đền thờ Liệt sĩ Nguyễn Thái Học

Thời thuộc Pháp, truyền thống yêu nước đó một lần nữa lại được người dân Vĩnh Tường tiếp nối, với những tên tuổi ghi vào lịch sử, như Đội Cấn, quê Vũ Di - lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; Nguyễn Thái Học, quê Thổ Tang - lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước, lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, tuy thất bại nhưng khí phát hiên ngang của ông cùng 12 đồng đội trước pháp trường xử chém của thực dân Pháp tại Yên Bái còn lưu mãi ngàn năm.
Người chiến sĩ Cộng sản Lê Xoay (Vũ Di, Vĩnh Tường), Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản phụ trách phong trào tỉnh Vĩnh Yên (ông được coi là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) hy sinh khi đang tổ chức treo cờ, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng nhân ngày Quốc tế Lao động 1 - 5- 1942, đã nêu một tấm gương trọn đời hiến dâng cho lý tưởng cách mạng, cho Tổ quốc. Anh hùng Nguyễn Viết Xuân thời chống Mỹ còn vang vọng mãi khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!", đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần và ý chí quật cường của tuổi trẻ cả nước, quyết không run sợ và khuất phục trước kẻ thù hung bạo. Là vùng đất văn hiến, Vĩnh Tường có nhiều người học rộng, tài cao, vinh hiển và đỗ đạt. Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường), xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), là một trong các văn miếu sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó là hệ thống các văn từ (cấp tổng), văn chỉ (cấp xã) được cho là có số lượng nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc.

Danh nhân Nguyễn Văn Giáp (1837 -1887), tục gọi là Bố Giáp (vì ông từng làm chức Bố chính tỉnh Sơn Tây), là một lãnh tụ và danh tướng trong phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc Việt Nam cuối thế kỷ XIX

Danh nhân Nguyễn Văn Giáp (1837 -1887), tục gọi là Bố Giáp (vì ông từng làm chức Bố chính tỉnh Sơn Tây), là một lãnh tụ và danh tướng trong phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc Việt Nam cuối thế kỷ XIX

Ngoài chức năng là nơi thờ các vị tiên thánh của Nho giáo (đạo học chính thời Phong kiến), thì văn miếu, văn từ hay văn chỉ còn là nơi ghi danh, ghi dấu và tôn vinh, đề cao sự học, phải là vùng đất hiếu học, đỗ đạt, khoa bảng thì mới có hệ thống thờ tự này. Chính vì vậy mà khi nhắc đến Vĩnh Tường là nhắc đến một trong những vùng đất có truyền thống hiếu học của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời kỳ phong kiến tự chủ, Vĩnh Tường có tới 24 vị đỗ tiến sĩ, 250 vị đỗ cử nhân, các làng xã nổi tiếng có người đỗ đạt thành danh là: Tứ Trưng, Thượng Trưng, Vũ Di, An Tường. Nhiều người được lưu danh trên bia đá ở Văn miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội như: Phí Văn Thuật, Phí Quốc Thể, Bùi Công Tổn (Thượng Trưng), Nguyễn Tiến Sách (Tứ Trưng), Tô Thế Huy (Cao Đại),… Có người làm quan tới chức Thừa tuyên sứ như Bùi Hoằng, Lê Dĩnh (Thượng Trưng), Thượng thư Bộ Hộ Hoàng Bồi (Cam Giá, An Tường), Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Chất (Vũ Di),… Truyền thống yêu nước, hiếu học ở Vĩnh Tường được các thế hệ kế tiếp nhau trân trọng, gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần làm rạng ranh trang sử vẻ vang của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chiều sâu văn hóa

Không chỉ kiên cường, anh dũng cùng nhân dân cả nước chống chọi với thiên tai, đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn, người dân vùng đất Vĩnh Tường cũng đã thể hiện được sự chăm chỉ, chịu khó trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Trong suốt quá trình đó, bên cạnh lao động làm ra của cải vật chất để duy trì cuộc sống, người dân Vĩnh Tường còn không ngừng sáng tạo nên các sản phẩm tinh thần, sản phẩm vật chất gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm bản sắc vùng miền, trở thành di sản văn hóa. Đó là những tài sản quý giá của cộng đồng cư dân Vĩnh Tường cùng với tỉnh Vĩnh Phúc đóng góp quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Chùa Tùng Vân, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường

Chùa Tùng Vân, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường

Ông Phí Văn Liệu - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyên Vĩnh Tường cho biết: Các dấu tích vật chất phản ánh về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Vĩnh Tường đến nay còn lưu giữ được khá nhiều. Đây là những minh chứng sống động về một miền quê giàu truyền thống, có bề dày lịch sử và văn hóa. Kết quả điền dã, thống kê cho thấy Vĩnh Tường hiện có 266 di tích, đứng đầu toàn tỉnh Vĩnh Phúc (gồm 73 đình, 80 chùa, 11 đền, 24 miếu, 04 quán, 25 điếm, 04 nhà thờ họ, 06 nhà thờ công giáo, 01 nhà thờ tổ nghề, 02 lăng mộ, 01 văn chỉ, 04 di tích khảo cổ, 04 di tích lịch sử), trong đó có: 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích Quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh; 02 di sản phi vật thể quốc gia, chiếm gần 30% số di tích xếp hạng cấp quốc gia của tỉnh Vĩnh Phúc. Công tác quản lý, bảo tồn di tích, cổ vật và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới, được các cấp ủy đảng, chính quyền ở Vĩnh Tường quan tâm, góp phần chống xuống cấp của di tích. Hầu như làng xã nào ở Vĩnh Tường cũng có đình, chùa, có nơi còn có cả đền, miếu thờ cúng ghi đậm nét văn hóa về truyền thống đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm. Các công trình kiến trúc cổ này ít nhiều đều mang dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc dân gian từng thời kỳ khác nhau, có nhiều giá trị trong nghiên cứu và có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách tham quan, đang từng bước được quan tâm giữ gìn, phát huy trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập.

Tiêu biểu và nổi bật nhất cho loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Vĩnh Tường phải kể đến đình làng. Dân gian xưa thường ca ngợi: “đình Đoài, chùa Bắc, cầu Nam”, nghĩa là đình đẹp phải ở xứ Đoài, chùa phía Bắc, cầu ở phía Nam. Địa bàn huyện Vĩnh Tường ngày nay vốn nằm gọn trong vùng văn hóa xứ Đoài xưa nên loại hình kiến trúc đình làng ở đây phát triển khá rực rỡ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Mặc dù phải trải qua thời gian với những thăng trầm biến động của lịch sử, nhưng đến ngày nay nhiều ngôi đình làng ở Vĩnh Tường vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa đặc sắc, đồ sộ như đình Thổ Tang (Thị trấn Thổ Tang), các ngôi đình ở xã An Tường (đình Bích Chu, đình Thủ Độ, đình Cam Giá), xã Lũng Hòa (đình Đông, đình Nam, đình Hòa Loan), đình Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn), đình Tuân Lộ (xã Tuân Chính). Các công trình kiến trúc này là những tư liệu quý giá để tìm hiểu và nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc đình làng không chỉ của riêng Vĩnh Tường mà của cả vùng Bắc Bộ.

Di tích Quốc gia đặc biệt, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang

Di tích Quốc gia đặc biệt, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang

Trong đó, đình Thổ Tang là một trong số các ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII. Ở đình Thổ Tang còn lưu giữ hệ thống các mảng trang trí trên gỗ được thể hiện qua bàn tay tài hoa của người thợ dân gian bằng nghệ thuật chạm khắc với nhiều kiểu kỹ thuật chạm khác nhau như: Chạm nông, chạm lộng, kênh bong…Cùng với đó hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc với nội dung, đề tài phong phú: Tiên cưỡi rồng, vợ chồng lười, cảnh nghỉ ngơi sau giờ lao động, cảnh đá cầu, đấu vật, chơi cờ, uống rượu, đánh ghen, gia đình hạnh phúc, bắn thú dữ. .. Những đề tài này được tái hiện sinh động, sâu sắc nhưng cũng rất hóm hỉnh về cuộc sống thường ngày của người dân trong xã hội phong kiến. Có thể nói đình Thổ Tang là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, không chỉ thành công ở các mặt bố cục, tạo dáng, đục bong chạm thùng mà còn mang một nội dung rất sâu sắc, tỏ rõ trình độ tư duy cao của nghệ nhân thời đó, luôn được nhắc tới trong lịch sử mỹ thuật dân tộc. Với kiến trúc độc đáo mang đậm không gian văn hóa Việt, đình làng Thổ Tang đã và đang dần kiến tạo thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đình Bích Chu, xã An Tường tọa lạc trên khu đất có diện tích trên 4000 m2. Đình được xây dựng vào cuối thế kỉ 16 đầu thế kỷ 17, được xây dựng đương chiều Lê Cảnh Hưng

Đình Bích Chu, xã An Tường tọa lạc trên khu đất có diện tích trên 4000 m2. Đình được xây dựng vào cuối thế kỉ 16 đầu thế kỷ 17, được xây dựng đương chiều Lê Cảnh Hưng

Nếu đình Thổ Tang có nhiều giá trị trong các mảng chạm khắc, đề tài trang trí thì ở cụm đình làng (Bích Chu, Thủ Độ, Cam Giá) ở xã An Tường lại mang vẻ đẹp duyên dáng của kiến trúc hình chữ “đinh” biến thể sang chữ “công” với hậu cung theo kiểu chồng diêm hai lớp mái nhẹ nhàng, thanh thoát, đao mác cong vút. Đây là kiểu kiến trúc đẹp mang đặc trưng riêng của giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII. Thời kỳ này các nghệ nhân dân gian không còn được “tự do” thể hiện các tác phẩm chạm khắc với nhiều đề tài bình dân nữa mà phải tập trung vào các chi tiết trang trí cầu kỳ ở khu vực thờ tự như y môn, cửa võng, xà rồng, cốn mê. Đình Bích Chu, đình Cam Giá có hệ thống cửa võng được đục chạm hết sức tinh xảo, có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật cao…

Cùng với đình làng, ở Vĩnh Tường còn có nhiều loại hình di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao như chùa, đền, miếu... Các ngôi chùa cổ có quy mô lớn, đẹp nổi tiếng trong vùng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa Phật giáo của người dân địa phương như chùa Tùng Vân (thị trấn Thổ Tang), chùa Hoa Dương (xã Tuân Chính), chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng), chùa Vân Ổ (xã Vân Xuân), chùa Linh Sơn (xã Lũng Hòa). Ngoài ý nghĩa về tâm linh thì mỗi một ngôi chùa làng đều chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc, về nghệ thuật điêu khắc dân gian mà trọng tâm là nghệ thuật tạo các tượng tròn. Chùa Hoa Dương với hệ thống tượng thờ bằng chất liệu gỗ thế kỷ XVIII, có giá trị cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Mỗi pho tượng mỗi hình dáng, sắc thái biểu cảm khác nhau, muôn hình muôn vẻ nhưng đều toát lên vẻ thanh cao, trầm lắng mà rất đỗi tôn nghiêm chốn không gian của Phật – Pháp – Tăng. Chùa Bảo Quang với lịch sử xây dựng từ thời Mạc (thế kỷ XVII), lại có các pho tượng hậu được tạo hình trên chất liệu đá đặc trưng với những vẻ mặt nhân hậu, hiền từ, đầy hướng thiện của những thiện nam, tín nữ thành tâm đóng góp công, góp của hướng về với Phật. Chùa Tùng Vân nổi tiếng với hệ thống văn bia đá, chuông, khánh, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, đặc biệt là có pho tượng phật làm từ đá ngọc nguyên khối được ghi vào kỷ lục Việt Nam.

Đền đá Phú Đa, xã Phú Đa có tuổi đời hơn 300 năm tuổi

Đền đá Phú Đa, xã Phú Đa có tuổi đời hơn 300 năm tuổi

Đặc biệt là công trình đền đá Phú Đa với lối kiến trúc biệt phủ khác lạ mà khắp cả tỉnh Vĩnh Phúc cũng không nơi nào có. Được xây dựng từ thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) cho tới nay, đền gần như chưa phải đại tu lần nào. Đền tọa lạc gần sông Hồng nên việc phòng chống lụt được dự tính ngay từ lúc kiến tạo. Khu đất dựng đền được đắp cao thành một quả gò hình mai rùa. Nền đền có nhiều cấp. Đền lại được bố cục nhiều lớp kiến trúc: Cổng đền, tiền đường, sinh từ, từ đường. Các nền nối với nhau bằng nhiều bậc, kè đá xanh xẻ hình hộp vững chắc, cống thoát nước được đào sâu, kè đá độ dốc lớn, có tác dụng chống mưa ngập, lũ tràn, tránh ứ đọng. Thời Tự Đức trận lụt lớn làm vỡ đê Vĩnh Tường, nước sông Hồng xoáy thành vực ngay cạnh đền nhưng đến đền Phú Đa, nước phải từ từ chảy vì gặp nhiều vật cản, không xô đổ, cuốn trôi được cái gì.

Sau trận lụt đền Phú Đa vẫn đứng trơ trơ, để cho hậu thế cả một tòa kiến trúc di sản độc đáo, giá trị văn hóa nghệ thuật lịch sử quý báu còn nguyên vẹn đến ngày nay. Hay như đền Đuông, được xây dựng trên nền đất cao, xung quanh có tường bao bọc. Từ ngoài vào đền phải qua tam quan, đến sân đền, chiều dài 30m, chiều rộng 10m, hai bên là tả mạc và hữu mạc. Hết sân đến nhà tiền tế, lầu trống rồi mới đến đại điện. Mặt nền nhiều lớp, nhiều cấp như thế khiến nước lũ không xối thẳng vào được, giúp công trình đứng vững trước thiên tai bão tố. Nhờ đó, đền Đuông cũng như nhiều công trình tâm linh khác của Vĩnh Tường, dù tọa lạc trên vùng ô trũng của châu thổ sông Hồng, vẫn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Đền Đuông còn lại đến ngày nay 11 pho tượng, gồm tượng thần Đông Hải Đại Vương và Long Nữ, tượng võ sĩ, tượng tả văn, hữu võ, sơn son thiếp vàng, cốt bằng đất sét – trấu; tượng hai con sư tử bằng gỗ, để mộc, chạm khắc tỉ mỉ, tả thực với bờm râu như thật, rõ từng sợi, sắc nét và dữ dội.

Sở dĩ các di sản kiến trúc của Vĩnh Tường còn lại đến ngày nay nhiều như thế là do cư dân Vĩnh Tường biết trù liệu trước việc chống lũ lụt, chống cháy, chống mối mọt ngay từ khi mới tạo dựng trên đất đồng bằng ô trũng thuộc châu thổ sông Hồng. Trên cơ sở đó, ngày nay, nhân dân Vĩnh Tường vẫn rất coi trọng việc bảo vệ, tu tạo, phục chế các di tích ấy, nên cả số lượng lẫn chất lượng di sản văn hóa kiến trúc của Vĩnh Tường mới được lưu giữ đến ngày nay. Với lịch sử hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm, cộng đồng cư dân Vĩnh Tường đã tạo nên một kho tàng phong phú các sản phẩm tinh thần mang đậm bản chất và cốt cách của con người nơi đây. Những giá trị truyền thống này thể hiện dấu ấn cội nguồn, được biểu hiện đậm nét trên tất cả các hình thái văn hóa dân gian từ sơ khai và được trao truyền đến tận ngày nay, thể hiện thông qua các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, các lễ hội dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, làng nghề truyền thống, món ăn, thức uống đặc trưng,… Tín ngưỡng sơ khai đầu tiên của cư dân Vĩnh Tường cũng như bao vùng đất khác là tục thờ cúng các sự vật, hiện tượng như: đá, cây, nước, lửa, mây, mưa, sấm, chớp,… với quan niệm “vạn vật hữu linh”; dần dần được nhân hóa, lịch sử hóa các vị thần quyền năng.

Lễ hội đền Ngự Dội xã Vĩnh Ninh thu hút hàng nghìn người tham gia

Lễ hội đền Ngự Dội xã Vĩnh Ninh thu hút hàng nghìn người tham gia

Các cư dân ven sông Hồng đặc biệt chú trọng thờ các vị thần cai quản sông – nước như: Thờ Long Vương ở Bồ Sao, thờ Hà Bá thủy quan ở Môn Trì, An Lão, Kim Đê, Vân Giang,… rồi cả một hệ thống làng xã ven sông thờ Tản Viên và hai bộ tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh. Thánh Tản Viên được dân gian đồng nhất với thần Sơn Tinh có phép thuật “trị thủy” giúp dân, về sau Ngài được lịch sử hóa sống vào thời Hùng Vương và được nhân dân ta tôn vinh là một trong các vị thánh “tứ bất tử”. Tản viên cũng là vị thần được thờ nhiều nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Các vị nhân thần được lịch sử hóa có hành trạng khá rõ ràng. Thiên tướng Đinh Thiên Tích được hóa thân thành anh hùng đánh đuổi giặc Ân, được thờ ở vùng Đại Đồng, Tân Tiến. Các bộ tướng cùng vua Bà (Trưng Trắc) đánh đuổi giặc Đông Hán như: Nữ tướng Lê Ngọc Trinh được thờ ở làng Lũng Ngoại, Cả Lợi, Hai Lợi được thờ ở làng Vĩnh Lại, Ả Lã nàng Đê được thờ ở làng Phù Lập…

Có nơi như làng Tuân Lộ, làng Phúc Lập lại thờ Cao Biền và phu nhân Triệu Thị Loan. Mặc dù là quan lại của triều đình phong kiến phương Bắc sang đô hộ, song Cao Biền lại có những đóng góp cho sự phát triển xã hội, có công với làng, với dân nên các làng xã này tôn thờ, tôn làm thần thành hoàng. Điều này thể hiện sự đánh giá rất công bằng, đầy tính nhân văn của nhân gian. Các danh tướng: Trương Hống, Trương Hát (thế kỷ VI) - những vị tướng lập nhiều chiến công trong triều đại Triệu Việt Vương -Triệu Quang Phục đánh giặc Lương được thờ ở Bình Dương. Các làng ở Thổ Tang thờ Lân Hổ hầu đô thống Đại Vương đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông xâm lược (thế kỷ XIII) để lại uy danh ghi vào sử sách và là nỗi khiếp sợ của quân giặc “Nam phương tráng khí, Bắc khấu hàn tâm – Khí nước Nam hùng mạnh, lòng giặc Bắc sợ run”. Rồi các danh nhân địa phương cũng được tôn kính, suy tôn làm thành hoàng làng, được nhân dân hương hỏa thờ cúng quanh năm như Nguyễn Danh Thường ở Phú Đa, Nguyễn Văn Nhượng ở Tứ Trưng. Có làng còn thờ cả các vị tổ nghề (Bích Chu), thổ thần hoặc cả những vị không rõ lai lịch nhưng việc thờ họ lại được dân gian thấy “linh” khá phổ biến ở các xã Bình Dương, Thượng Trưng, Tứ Trưng, Cao Đại, Kim Xá,… Việc thờ cúng thần linh ở các làng, xã của Vĩnh Tường cũng như bao làng quê khác ở Vĩnh Phúc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua hình thức thờ cúng, suy tôn các vị thần linh, họ còn gửi gắm niềm tin, khát khao, ước vọng về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, đồng thời cũng lấy sự uy nghiêm, linh thiêng của các vị thần mà giáo dục, răn đe, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, nếp sống tốt đẹp cho cộng đồng.

Địa bàn huyện Vĩnh Tường trước đây có tới 87 làng cổ, trong đó được biết đến nhiều như: Kẻ Rưng, kẻ Ngòi, kẻ Quả, kẻ Sậu, kẻ Giang, Rùa, Dầu, Cấu, Vó, Gành, Đọ… Trong không gian văn hóa làng xã này chứa đựng 77 lễ hội dân gian và 209 lễ tiệc thời vụ, tập quán khác như: xuống đồng, cơm mới, cầu đinh, tiệc bún, tiệc bánh,… Quy mô các lễ hội này thông thường được tổ chức theo làng, nhưng cũng có lễ hội mang tính chất vùng, miền như: Lễ hội đền Ngự Dội, lễ hội Rưng, lễ hội làng Bích Đại – Đồng Vệ, lễ hội làng Thượng Trưng, Kiên Cương,… Các lễ hội trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đều gắn với lịch sử, công trạng của các vị thần, thành hoàng được tôn thờ ở các làng, xã đó. Thông thường lễ hội diễn ra vào mùa xuân, bởi đây là thời gian nông nhàn, người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả và cũng chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới. Các lễ hội này là để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của thần, thánh nên được tổ chức vào các ngày kỵ húy như: Thánh đản, thánh hóa, hiển thánh, ca khúc khải hoàn. Bởi vậy nên ngoài thành tố hội để vui chơi ca hát thì còn yếu tố lễ, là các nghi thức, nghi lễ hết sức trang trọng, cung kính như tế, rước. Đặc biệt ở các lễ hôịliên quan đến các vị thần là các danh tướng, còn có các trò chơi, trò diễn rèn luyện sức khỏe, tinh thần thượng võ như Hú đáo, kéo co ở Lũng Hòa (thờ nữ tướng Lê Ngọc Trinh), múa gậy ở Phù Lập (Ả Lã nàng Đê công chúa), đấu thiết lĩnh ở Nghĩa Lập (thờ tướng thời Hùng Vương); vật ở Thổ Tang (thờ Lân Hổ hầu Đô thống Đại Vương), ở Đại Đồng (thờ Đinh Thiên Tích); đua thuyền ở An Tường (thờ Lý Nhã Lang)…

Màn trình diễn "Trâu rơm, bò rạ" cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Màn trình diễn "Trâu rơm, bò rạ" cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Nằm trong tam giác châu thổ sông Hồng, các lễ hội diễn ra ở các làng quê Vĩnh Tường hầu hết đều liên quan đến sản xuất nông nghiệp, bởi cư dân ở đây chính là chủ nhân của văn minh lúa nước được hình thành và phát triển từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên các đây khoảng 4000 năm. Lễ hội làng Bích Đại – Đồng Vệ có trình diễn trò “trâu rơm – bò rạ”, thông qua việc phô diễn các kỹ năng, cách thức hoạt động trong sản xuất nông nghiệp như cày bừa, cấy hái để luyện tập trước những vụ mùa mới và cũng là đề cao tôn vinh giá trị thành quả lao động khiến con người thêm yêu quý công việc đồng áng. Hay lễ hội nấu cơm thi ở làng Vân Giang, làng Văn Trưng cũng vậy, ở đây người nông dân cũng thể hiện sự quý trọng đối với hạt gạo bằng việc đồng nhất nó với những gì tinh túy nhất do trời đất ban tặng để mà dâng lên các thần linh tôn quý và tổ tiên bát cơm thơm dẻo. Trong lễ hội của các làng xã ven sông Hồng trên địa bàn Vĩnh Tường còn có nghi thức rước nước trên sông đem về để thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng và dùng cho thờ cúng.

Đây cũng là cách thức “ứng xử” một cách trân trọng tự nhiên, môi trường sống, bởi đã là cư dân trồng lúa thì yếu tố nước là quan trọng hàng đầu. Cũng dễ hiểu khi ở hầu hết các làng này đều thờ Tản Viên (Tản Viên được coi là tổ của nhà nông) và các bộ tướng giúp việc của ngài. Một loại hình cũng liên quan rất mật thiết với nông nghiệp là các lễ hội có tính chất “phồn thực” như trò bắt chạch trong chum ở lễ hội Rưng, trò “tung con” ở lễ hội làng Bích Đại – Đồng Vệ; cướp bông, múa bông ở Bàn Mạch, Thượng Lạp, Phủ Yên; cướp bông, gươm ở Bồ Sao, rước cây bông ở Cam Giá…

Thông qua các trò chơi, trò diễn, nghi lễ mang đậm ý nghĩa cầu mùa, cầu đinh, nhân dân ta muốn gửi gắm ước vọng về sự phát triển sinh sôi của con người và vạn vật. Bên cạnh đó, trong các lễ hội ở Vĩnh Tường còn có phong phú các hình thức diễn xướng, nghi lễ hay và các trò chơi dân gian đặc sắc như: Hát xoan ở làng Hoàng Thượng (Kim Xá); hát thờ ở làng Cao Xá, làng Bình Trù (xã Cao Đại), làng Nghĩa Lập, làng Hưng Lục (ở xã Nghĩa Hưng); hát ống ở làng Liên Hoa (xã Nghĩa Hưng); hát trống quân ở Yên Nội (xã Chấn Hưng), múa mo ở Bình Lỗ (xã Yên Bình), hội thi chạy còi làng Phong Doanh (Bình Dương). Ngoài ra cũng phải kể đến các lễ tiệc, tập quán liên quan đến nông nghiệp như: thượng điền, hạ điền, cơm mới và các lễ tiết gắn liền với lịch thời vụ (nông lịch): Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu, Trùng Thập, Hàn Thực,.. Lễ hội dân gian ở Vĩnh Tường có từ rất lâu đời, là sợi dây gắn kết cộng đồng làng xã, là tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây. Thông qua lễ hội, mọi người được tham gia vui chơi, giải trí đồng thời gửi gắm niềm tin, ước vọng về một tương lai đủ đầy, hạnh phúc.

Nghề rèn Lý Nhân (rèn Bàn Mạch) đã mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương

Nghề rèn Lý Nhân (rèn Bàn Mạch) đã mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương

Vĩnh Tường từ xa xưa đã có nhiều làng nghề truyền thống: nghề dệt vải ở Vân Ổ (Vân Xuân); nghề mộc ở Bích Chu, Thủ Độ (xã An Tường); nghề rèn (ở Lý Nhân), nuôi rắn ở Vĩnh Sơn, nấu rượu ở Vân Giang (xã Lý Nhân), hay “giường tre Vĩnh Mỗ, giường gỗ Kiên Cương” tức nghề làm gỗ ở Kiên Cương (xã Ngũ Kiên),… Các làng nghề ở Vĩnh Tường hầu hết nội sinh trong các làng nông nghiệp trước những nhu cầu thực tiễn, được hình thành và phát triển từ quy mô cá nhân, gia đình rồi lan rộng ra cả làng trên cơ sở truyền nghề. Chính vì thế mà làng nghề ở đây khó mà tìm thấy vị tổ nghề. Các làng nghề thường mang tính tập tục truyền thống đặc sắc, đặc trưng, không chỉ có tính chất kinh tế mà còn bao gồm cả tính văn hóa, tính xã hội cao. Từ xa xưa những sản vật thu hái được qua các phương thức canh tác: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản dựa trên sự ưu đãi của thiên nhiên, người dân Vĩnh Tường lại chăm chỉ, chịu khó nhưng cũng đầy sáng tạo nên các món ẩm thực dân gian của Vĩnh Tường cũng khá phong phú, hấp dẫn. Trong đó, tiêu biểu là: Rượu Vân Giang, đậu Rùa – Tuân Chính, thịt rắn Vĩnh Sơn, bánh Ngõa – Lũng Ngoại, nộm giá đỗ - làng Hoàng Xá,… mỗi món ăn đều chất chứa trong đó những tinh hoa của trời đất có hương vị riêng đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ món ăn, đồ uống ở vùng quê khác.

CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá luyện tập để bảo tồn làn điệu dân ca hát Xoan cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Kim Ly

CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá luyện tập để bảo tồn làn điệu dân ca hát Xoan cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Kim Ly

Trong quá trình lao động xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, người dân Vĩnh Tường đã sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật truyền thống, trước đây có hát ghẹo ở Thổ Tang, hát vè ở Tứ Trưng, hát Xoan ở Kim Xá. Đặc biệt là hát cửa đình có nhiều ở làng xã với các phường hát, gánh hát nổi tiếng trong vùng. Đây là loại hình nghệ thuật phát triển rất mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX thì bị lãng quên và dần mai một, thậm chí không còn. Hiện nay ở đình Khách Nhi (xã Vĩnh Thịnh) còn có tấm bia đá ghi chép khá rõ về loại hình di sản này. Di sản văn hóa Vĩnh Tường không những nhiều về số lượng mà rất phong phú về loại hình, tiêu biểu đặc sắc ở kiến trúc đình làng, mang đậm bản sắc vùng miền như các lễ hội dân gian truyền thống, sâu đậm ý nghĩa nhân văn qua các ngôi chùa làng gần gũi, sự chăm chỉ đầy sáng tạo thể hiện ở truyền thống hiếu học, vinh hiển,…Tất cả làm nên một vùng đất văn hóa, văn hiến và văn minh.

Người Vĩnh Tường từ xưa đến nay luôn biết trân trọng sự nghiệp của ông cha, nguồn gốc của tổ tiên; có phương pháp, cách thức hữu hiệu để trao quyền, tái tạo các di sản văn hóa, giữ nguyên vẹn cốt cách, kiểu dáng các công trình kiến trúc truyền thống, các tài sản do tiền nhân để lại. Vĩnh Tường luôn mở lòng đón các nhà nghiên cứu, du khách tham quan để phát hiện, đề xuất các vấn đề về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong hiện tại và tương lai, để di sản văn hóa Vĩnh Tường mãi mãi trường tồn cùng năm tháng, sẽ trở thành những điểm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch gần xa.

Tháng nào cũng có đoàn du khách nước ngoài (Anh, Đức, Pháp) đến thăm làng nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân

Tháng nào cũng có đoàn du khách nước ngoài (Anh, Đức, Pháp) đến thăm làng nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân

Chiều sâu văn hóa của Vĩnh Tường được thể hiện đậm nét, tuôn chảy trong áng văn bia do GS anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn, lập mùa Thu năm Giáp Ngọ (2014) lưu danh tại “Đền liệt sĩ huyện Vĩnh Tường”, đã đúc kết Vĩnh Tường là miền quê văn hiến, anh hùng, với truyền thống “sùng văn, trọng võ”. Nhân dân Vĩnh Tường “lớp cha trước, lớp con sau”, luôn có những đóng góp vẻ vang vào tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Bước vào kinh tế thị trường, Vĩnh Tường chú trọng bảo tồn di sản dân gian, hát ghẹo, hát xoan, chèo cổ. Xóm thôn đổi mới, vượt qua đói nghèo, phường phố văn minh, tiếp nhận trào lưu tiến bộ. Vĩnh Tường tự hào mảnh đất linh thiêng. Rạng rỡ một vùng cẩm tú.

Xuân Vũ – Tiến Dũng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-vinh-tuong-mot-vung-cam-tu-a24850.html