Vịt chạy đồng thiếu kiểm soát-nguy cơ bùng phát dịch

VOV.VN - Hậu quả từ những đàn vịt chạy đồng để lại còn lớn hơn khi nhiều đàn có biểu hiện chết với số lượng lớn.

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm trong cả nước. Tại khu vực ĐBSCL hiện nay lại đang vào mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân. Chính vì vậy, tình trạng vịt chạy đồng thả lan ăn lúa mót trên những cánh đồng lúa mới vừa thu hoạch đang là mối nguy hiểm. Bởi nguy cơ dịch bệnh từ những đàn vịt chạy từ đồng này sang đồng khác có thể lây lan trên diện rộng.

Vịt chạy đồng ở Đồng Tháp, vấn đề nan giải của ngành chức năng

Những ngày lúa đông xuân ở ĐBSCL thu hoạch rộ, cũng là thời điểm mà vịt chạy đồng trở nên khó kiểm soát nhất.

Bầy vịt chạy đồng của ông Trần Văn Hùng đã chạy đồng đến nay hơn 3 tuần. Từ những cánh đồng lúa ở Vĩnh Long, Cần Thơ, đến nay đã chuyển hướng tới An Giang.

Ông Hùng cho biết, nuôi vịt chạy đồng là một phương pháp chăn nuôi truyền thống được xem là hiệu quả. Bởi sẽ tận dụng được lượng lúa rơi vãi sau mùa thu hoạch lúa. Tuy nhiên, bên cạnh tính hiệu quả thì cũng kèm theo nhiều nỗi lo khi việc phòng chống cúm cho đàn vịt rất bị động.

“Nhờ chủ yếu là vịt chạy đồng ăn lúa đổ với côn trùng thì mới có lợi nhuận. Chứ không cho chạy đồng ở một nơi thì vịt làm sao phát triển được, đẻ cũng không nhiều”- Ông Hùng nói.

Tại Đồng Tháp, đến đầu tháng 2 vừa qua, ngành thú y tỉnh đã tiêm ngừa bệnh cúm cho đàn gia cầm với hơn 1 triệu liều vaccine. Trung bình số lượng gia cầm được tiêm phòng đạt 40-50%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ gia cầm trên địa bàn được tiêm ngừa đang giảm, vì số lượng gia cầm (chủ yếu là vịt chạy đồng) chưa được tiêm ngừa thâm nhập vào tỉnh đang tăng lên nhanh.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết tại thời điểm này, việc các hộ nuôi vịt chạy đồng không tuân thủ tiêm ngừa dịch đang là một khó khăn lớn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Mặc dù hiện nay tỉnh chưa phát hiện ổ dịch, nhưng tình trạng nuôi vịt chạy đồng như thế này làm cho nguy cơ lây lan nhiễm cúm gia cầm từ vùng này qua vùng khác là rất cao.

Ông Hiền nói: “Vịt đã không cho chạy đồng nhưng thực tế người dân vẫn nuôi vịt để chạy từ đồng này sang đồng khác, tỉnh này sang tỉnh khác. Điều này phổ biến nhưng sự kiểm soát rất khó khăn. Nên việc quản lý vịt trên các kênh rạch là khó với cơ quan thú y và chính quyền địa phương”.

Hiện tại, ở 10 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL thuộc vùng quản lý của cơ quan thú y vùng VII có đàn gia cầm gần 40 triệu con. Trong đó, đàn gà gần 17 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng 40-50%, đàn vịt với trên 21 triệu con nhưng tỷ lệ tiêm phòng khoảng 70-80%.

Việc tiêm phòng “con có, con không” như vậy cũng đã làm không ít những hộ nuôi vịt chạy đồng ở địa phương và người dân sống gần khu vực có vịt chạy đồng lo lắng. Bà Phạm Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, vịt chạy đồng đang rộ trên các đồng lúa. Không chỉ An Giang mà nhiều địa phương cũng rất lo ngại nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm theo con đường này.

Dù nuôi tập trung, không chạy đồng nhưng việc nuôi gia cầm ven kênh rạch ở An Giang vẫn có khả năng nhiễm bệnh cao

Chính vì vậy, việc chăn nuôi có kiểm soát và tiêm phòng đầy đủ đang là vấn đề mà các địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Hòa còn cho biết UBND tỉnh An Giang vừa công bố số điện thoại đường dây nóng và quyết định thưởng “nóng” 500.000 đồng/tin cho người cung cấp thông tin, khi phát hiện dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, triển khai ngay Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp từ nay đến hết tháng 3 này. Thực hiện tiêm phòng vaccine phòng ngừa cúm gia cầm phải đạt trên 90% tổng đàn gia cầm, đồng thời có kế hoạch giám sát chặt chẽ, đề phòng dịch.

Bà Hòa cho biết: “Ngành cũng tăng cường các hoạt động giám sát, tuy nhiên cũng cần phải tăng cường vấn đề tuyên truyền. Qua đó vận động người dân có ý thức hơn trong nuôi gia cầm. Chẳng hạn mỗi người khi nuôi phải ý thức được dịch cúm gia cầm tác hại ra sao. Từ nhận thức đó để nuôi như thế nào đảm bảo an toàn như phải đăng ký với chính quyền địa phương, thú y để thực hiện tiêm phòng triệt để”.

Thực tế, vịt chạy đồng đã khó kiểm soát ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hậu quả từ những đàn vịt chạy đồng để lại còn lớn hơn khi nhiều đàn có biểu hiện chết với số lượng lớn. Ở một số nơi, động thái duy nhất mà nhiều người dân áp dụng là thu gom rồi bỏ vào bao vứt xuống kênh rạch. Còn nếu vịt chết ít hơn thì cứ “vô tư” cho trôi theo dòng kênh, mặc kệ những ảnh hưởng đến nguồn nước, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm sang các đàn vịt khác.../.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/vit-chay-dong-thieu-kiem-soatnguy-co-bung-phat-dich/313683.vov