“Vịt tử thần” vẫn ầm ầm bơi

GiadinhNet - Mặc cho quy định được cơ quan quản lý nhà nước ban hành, tại Hà Nội, dịch vụ đi xe đạp nước (hay còn gọi là “đạp vịt” - PV) vẫn ngang nhiên vi phạm.

Không được nhắc nhở, du khách thản nhiên không áo phao tung tăng đạp vịt giữa hồ sâu. Ảnh: M.A.

Hành khách không mặc áo phao vẫn được ra hồ. Tính mạng của hàng ngàn lượt người tham gia trò chơi này vẫn bị… bỏ ngỏ.

Sắm áo phao để… làm cảnh

Trước các tai nạn thảm khốc liên quan đến giao thông đường thủy, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã ra văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động liên quan đến mảng này. Sau khi văn bản nêu trên được ban hành, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc khảo sát tại các khu vui chơi giải trí lớn tại Hà Nội, nơi có cung ứng các dịch vụ “đạp vịt”.

Chiều 12/8, tại khu dịch vụ “đạp vịt” nằm trong Công viên Thủ Lệ, từng tốp “vịt” lần lượt tung tăng ra khơi trước sự điều khiển của các cặp nam thanh nữ tú. Tại đây, chủ khu dịch vụ túc trực thường xuyên để cho thuê “vịt”, ra rả nhắc “vịt” số mấy sắp hết giờ và yêu cầu cập bến nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến quy định bắt buộc du khách phải mặc áo phao. Khu vực neo đậu của khu dịch vụ này có trên dưới 40 xe “đạp vịt”. Mỗi “vịt” khi ra khơi chở trung bình 2 người, vào ngày cao điểm như cuối tuần, dịp lễ thì toàn bộ số “vịt” này sẽ ra khơi đồng loạt. Như vậy, mỗi lần hoạt động hết công suất, khu vui chơi này cung ứng dịch vụ cùng lúc cho hơn 80 người. Phần lớn du khách không được nhắc nhở, bắt buộc phải mặc áo phao, khi không may xảy ra sự cố liệu đơn vị cung ứng có lường trước được sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của du khách? Đến chiều 15/8, tình trạng du khách không mặc áo phao khi “đạp vịt” ở Công viên Thủ Lệ vẫn tiếp diễn.

Trong tình trạng tương tự, khu dịch vụ “đạp vịt” tại khu vực Hồ Tây của Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây (số 9, ngách 612/2, Lạc Long Quân, Nhật Tân, Tây Hồ) cũng hoạt động nhộn nhịp và cả khách lẫn người quản lý đều bỏ quên áo phao cứu sinh. Khu dịch vụ của công ty này có số lượng “vịt” khá đông. Ngày cao điểm, hàng chục “vịt” của đơn vị này chở cả trăm khách lượn lờ trên Hồ Tây và dĩ nhiên, áo phao chỉ được trang bị để làm… cảnh. Quan sát nhiều ngày tại đây cho thấy, gần như tuyệt đối không có vị khách nào được nhân viên công ty này yêu cầu mặc áo phao khi ra hồ.

Thu tiền đều đều nhưng nhân viên đơn vị cung ứng quên yêu cầu du khách mặc áo phao theo quy định.

Nhân viên cũng… vi phạm

300.000 phương tiện nhỏ dưới 5 sức ngựa, chở được dưới 5 người; 1.200 người thiệt mạng vì tai nạn đường thủy trong năm 2012… là những con số được đưa ra tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi cho ý kiến về dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa chiều 12/8.

Tại khu “đạp vịt” Hồ Tây, cả trăm “vịt” đều được trang bị áo phao kẹp hai bên thành ghế. Phần lớn áo phao của đơn vị cung ứng dịch vụ tại đây đều đã bạc phếch. Trên bờ, gần điểm tập kết ra hồ, áo phao cứu sinh cũng được chất đống. Trang bị rất đầy đủ, hoành tráng nhưng khi du khách lên “vịt” ra hồ thì nhân viên tại đây không đả động nhắc nhở, yêu cầu phải mặc áo phao. Chị Kim, một du khách tại đây cho biết: “Phần lớn du khách đều không được yêu cầu mặc áo phao cho dù bảng quy định treo gần điểm bán vé ghi rõ nội dung này. Nhân viên công ty cũng không có động thái nhắc nhở, yêu cầu du khách chấp hành quy định”.

Điều bất ngờ tại khu vui chơi này là việc nhân viên của khu dịch vụ thuộc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây cũng “tung tăng ra khơi” và cũng không mặc áo phao. Việc làm này đối lập hoàn toàn với nội quy của chủ doanh nghiệp ký, gắn văn bản to đùng niêm yết nội dung yêu cầu nhân viên và hành khách chấp hành. Phần nội quy ghi rõ yêu cầu phải mặc áo phao cứu sinh khi lên “vịt”.

Biện hộ cho việc không bắt buộc du khách mặc áo phao cứu sinh, một nam nhân viên tại khu dịch vụ cho biết, khác với quy định buộc người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, với dịch vụ “đạp vịt” thì không thể ép du khách mặc áo phao nếu họ không muốn. Sau khi thấy vị khách lạ cứ hỏi về “áo phao”, “quy định”, “an toàn”, các nhân viên hồ nghi và bắt đầu có động thái yêu cầu các hành khách khác mặc áo phao. Tuy nhiên, kết quả là chẳng có du khách nào chấp thuận. Thực tế này cho thấy, chính bản thân các du khách cũng đang góp phần “vô hiệu hóa” các quy định an toàn cho chính sinh mệnh của họ.

Nghị trường cũng “nóng” với giao thông đường thủy

Trên thực tế, vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa không chỉ tồn tại ở các khu vui chơi giải trí mà phổ biến ở các hệ thống giao thông thủy trên toàn quốc. Để gia tăng các chế tài, việc hoàn thiện Luật Giao thông đường thủy nội địa đang được sửa đổi là hết sức cấp thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vấn đề này ra mổ xẻ cho ý kiến. Trong dự thảo, cơ quan soạn thảo đã đề nghị bỏ đăng ký đối với một số loại phương tiện nhỏ. Lý giải cho đề xuất này, Bộ GTVT cho rằng, lượng phương tiện dạng này dân tự sản xuất quá nhiều, phạm vi hoạt động bó hẹp, cự ly ngắn, không có hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký. Trước các ý kiến nêu trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc loại bỏ phương tiện nhỏ ra khỏi diện đăng ký, đăng kiểm, thay vào đó nên đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vit-tu-than-van-am-am-boi-20130816102811646.htm